top menu

Giang Trang - Cô gái hát nhạc Trịnh: Vầng trăng gầy giữa trời hoang mang

Bạn hãy nhắm mắt lại, hoặc ngồi cạnh ai đó, tay trong tay, trên một chiếc ghế cũ kỹ, hoặc ơ hờ một cuốn sách nằm trên bàn, hoăc một buổi trưa vắng, hoặc một khung cảnh vườn xưa, và đợi, và nghe... Những giọt trễ nải, tưởng như phẳng lì, như một đường bò ngang, một giọng từ kiếp nào. Không chỉ là một Giang Trang trong trẻo, mà là một Giang Trang mới trong sự xưa cũ, một Giang Trang giản dị, nhưng toát lên vẻ sang trọng.


BỎ NGÂN HÀNG ĐỂ ĐI HÁT RU ĐỜI
Tôi đoán chắc những người thích ngồi quán café hẳn sẽ có đôi lần gặp bóng dáng một người con gái làm cho bạn phải bâng khuâng, chú ý tới. Giang Trang là một người như vậy. Cô ấy là ai? Cô ấy có gì đặc biệt? Cô ấy làm được gì?



Không phải cô đẹp rực rỡ như một diễn viên, hay sành điệu như một cô gái hàng hiệu, hay chân dài như một người mẫu, hoặc xù xì, cá tính lập dị thường gặp. Giang Trang - 1 cô gái hát nhạc Trịnh với những nét riêng đặc biệt.

Tại sao Giang Trang lại trở nên quen thuộc dễ làm người khác nhớ từ lúc cô còn để tóc dài, búi tó, đến lúc để tóc thề ngang vai, và giờ là một chút tóc hơi quăn đầy quyến rũ; từ cách cô châm điếu thuốc, lúc cô im lặng, nhưng nhất là khi cô cất tiếng hát, những bài hát của Trịnh Công Sơn.

Bởi cô là một hình bóng để cái đám chúng tôi chú ý, thích ngắm nhìn và quan trọng hơn, là thích nói chuyện. Những quãng đường Giang Trang đi, cũng song hành đánh dấu những quãng đời của chúng tôi, bởi cô gắn kết với quán quen, hát những bài hát quen, và im lặng, biến mất, rồi lại "vùng lên", làm được cái gì đó, rất đỗi bản năng nhưng đầy nghị lực.

Giang Trang đã từ bỏ những công việc của một công chức ngân hàng, thậm chí khi có lời đề nghị với vị trí và thu nhập cao nhưng cô đã quyết định từ bỏ, để lấy công việc với thu nhập thấp nhưng làm cho cô thỏa mãn hơn về mặt tinh thần.


Cô nhận làm MC cùng với nhà văn Nguyễn Trương Quý trong chương trình "Bài ca Hà Nội" phát sóng FM tần số 90Mhz trên Đài PT-TH Hà Nội trong khuôn khổ "Thức dậy Hà Nội" với các bài hát xưa cũ. Và cô đi hát, hát nhạc Trịnh. Mỗi sáng nghe giọng cô với màu xưa cũ khiến cho những ai yêu Hà Nội như sống lại một thời dĩ vãng. Và bây giờ, người ta chỉ gọi cô một cách đơn giản: Giang Trang hát nhạc Trịnh.

TRĂNG HẠ HUYỀN U HOÀI, CAM CHỊU
Sau đêm diễn "Lênh đênh nhớ phố" đầy xúc động ở trung tâm văn hóa Pháp L'Espace (Hà Nội), sắp tới sẽ là "Hạ Huyền" - được tổ chức vào ngày 12/12/2012 tại L'Espace - với những nỗ lực tìm tòi rất tinh tế của Giang Trang. Với cô, sẽ là sự lột bỏ đi một vài cái "mặt nạ" để chạm gần hơn tới đời sống nội tâm thật sự của mình.

Câu chuyện nội tâm bắt đầu "trần trụi" hơn, "bạo lực" hơn hình ảnh trong trẻo và thuần khiết mà mọi người vẫn nhớ về Giang Trang từ các bản thu trước. Cô bắt đầu kể một câu chuyện khác, dồn nén hơn, ít mang tính "an ủi" hơn. Đây là cách biểu đạt những cảm giác của cuộc sống: ức chế, kìm nén, khô lạnh, đôi lúc hoang mang.

Giọng hát của Giang Trang trong thể nghiệm lần này là một "nhạc cụ" bình đẳng với các nhạc cụ khác, là một phần âm thanh trong cái tổng thể "Hạ Huyền". Nó dồn nén, nhả rõ từng chữ trong ca từ, giữ đúng nhịp và nhạc, tạo thêm chiều sâu để lên khuôn được một không gian âm nhạc "khác".


Nó nhấn mạnh tính nhạc cho các ca khúc vốn có một đánh giá phổ biến cho rằng phần nhạc của các ca khúc Trịnh Công Sơn quá đơn điệu. Với việc khai thác sâu vai trò của hòa âm phối khí, "Hạ Huyền" hướng tới phát triển một không gian âm nhạc biểu cảm để giãi bày những tầng ý nghĩa ngoài lời, ngoài ca từ.

Trăng hạ huyền là trăng bán nguyệt sau đêm rằm độ một tuần, khi chúng ta chỉ nhìn thấy được mặt trăng. Vầng trăng giống bóng thuyền xưa. Gợi lên một chút u hoài, cam chịu, chấp nhận tiếp tục "gầy đi", "khô héo đi" để sau đó chỉ 4 hay 5 ngày trăng chỉ còn lại một hình lưỡi liềm, trước lúc bóng ngả "trăng tàn".

Cảm giác "ngẩn ngơ" trước lúc bóng ngả trăng tàn là một cảm giác của nhiều chiều suy tư. Nó có thể gợi sự bức bối, u ám. Nhưng nó cũng nhen nhóm lên những niềm hy vọng giữa đời sống. Như mặt trăng kia cứ nhỏ dần, thưa mất dần cái ngời sáng của trăng tròn, mỗi lúc một huyền hoặc rồi biến mất, để lại bắt đầu một thời kỳ "trăng mới". Những cảm giác đó sẽ được thể hiện trong không gian âm nhạc Trịnh của Giang Trang.

NỖI HOÀI NHỚ VỀ TÌNH YÊU VÀ THÂN PHẬN
Để tìm được các bài hát sẽ thể hiện, có lẽ ít ai công phu như Giang Trang. Cô nghiên cứu, đắm say với nhạc Trịnh, và để có một buổi biểu diễn, cô đã làm rất nghiêm túc những kịch bản chi tiết.

Trong "Hạ Huyền", với tinh thần mộc và hơi khô của lối chơi "acoustic", giọng Giang Trang như bị mài mòn, bằng phẳng, lì đi, lúc này giọng và nhạc như một cuộc đối thoại, tương phản giữa chiều nội tâm của tiếng người và âm thanh nhạc cụ.


Để làm được điều này, người cộng sự Nguyễn Văn Tuấn - đảm nhận phần hòa âm phối khí đã giúp Giang Trang rất nhiều. Không chọn bài hát dễ, không chọn bài hợp, hoặc tôn giọng mình, Giang Trang quyết tìm một lối đi mới, thử nghiệm mới cho mình và cả ban nhạc.

Giang Trang như người đi bộ "vô thức" trong một không gian u hoài, nín lặng. Âm thanh của ca từ cất lên như một vết loang âm thầm trong không gian âm nhạc được tạo ra bởi cello, flute, guitar cổ điển, và những tiếng thình thịch âm u của bộ gõ.

Theo Giang Trang, nếu nói âm nhạc Trịnh Công Sơn chỉ có giá trị về ca từ, thì đó là một định kiến. Dường như từng từ một khi được tác giả lựa chọn để đưa vào một ca khúc đã luôn chứa đựng sẵn một nốt nhạc, gợi lên tinh thần về lối hát thơ của Hy Lạp cổ đại.

Vì vậy cô muốn hát một cách "nín chịu" nhất, thậm chí thoạt nghe thì có lẽ như là một giọng hát "không có gì", khô và không tình cảm. Giang Trang muốn lùi lại một chút để có một khoảng trống vắng dành cho những âm thanh của nhạc cụ cất lên. Hãy thử một lần đừng chỉ chú trọng vào sự "giãi bày ca từ", mà nghe phần hòa âm phối khí nhiều hơn.

Cô tin rằng, mọi người sẽ nhận ra giá trị của sự tối giản đến mức dường như đơn điệu trong phần âm nhạc của ca khúc Trịnh Công Sơn, vì nó là cơ hội để đào sâu và sáng tạo cho phần không gian âm nhạc. Sự tối giản đó trùng khớp với lời lý giải của ông về sự sáng tác của mình: "Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo".

Dù thế nào đi nữa, sự say mê, tìm tòi và tài năng của Giang Trang thật đáng trân trọng. Cô cứ say, cứ mê, và cống hiến cho người nghe những gì cô cảm nhận được, và lặng lẽ, đẹp như một đóa hoa vô thường!
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét