top menu

Có không, chức danh ảo?

Bộ GD&ĐT vừa hội thảo trực tuyến ba đầu cầu (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM) hôm 28-5, về việc lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên ĐH, CĐ. Đây được xem là khâu quan trọng để nâng chất lượng đào tạo, tiếc là 5 năm qua các trường vẫn làm tự phát, thiếu khung chuẩn từ Bộ.



Chất lượng giảng viên không chỉ căn cứ chức danh 

Chủ trương khá nhạy cảm này được Bộ GD&ĐT bắt đầu thí điểm cách đây 5 năm và chính thức triển khai đại trà từ ba năm nay. Năm 2009, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, kết quả khảo sát cho thấy có 89,17% sinh viên và 72,50% giảng viên ủng hộ chủ trương này. Công cụ đánh giá nên là phiếu được chuẩn bị sẵn (80%) và kết quả đánh giá nên thông tin để giáo viên điều chỉnh hoạt động của mình (62,50%). Khảo sát cũng cho thấy, các ý kiến không đồng nhất đánh giá hoạt động của giảng viên với đánh giá con người. 

 "Thống kê mới nhất, cả nước hiện có 59.712 giảng viên ĐH và 24.437 giảng viên CĐ. Xét về trình độ đào tạo và chức danh, về cơ bản đội ngũ này hiện đạt chuẩn, thậm chí trên chuẩn. Tuy nhiên, để đánh giá chất lượng giảng viên thì chức danh thôi chưa đủ. Cần nhìn nhận qua hoạt động giảng dạy thực tiễn, từ nội dung tài liệu, phương pháp giảng bài, nghiệp vụ sư phạm…”, ông Nguyễn Hải Thập - Phó cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận tại hội thảo lần này.

Vậy là đã qua 5 năm thí điểm và triển khai, chức danh thật và ảo vẫn cần tiếp tục được làm rõ.

Trong nhiều vấn đề được đưa ra mổ xẻ, đại diện nhiều trường ĐH, CĐ cho rằng khâu trọng yếu là xử lý giảng viên sau khi được đánh giá. Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM - Nguyễn Thị Sáu cho biết: "Trường chúng tôi đã mạnh dạn sử dụng kết quả khảo sát vào việc đánh giá thi đua khen thưởng. Giảng viên được xếp loại A sẽ có mức tiền thưởng từ 2 đến 3 tháng lương, tính ra cả mấy chục triệu đồng. Chính điều này đã khiến giảng viên cố gắng hoàn thiện bản thân hơn”. Nhưng nhiều trường đánh giá xong để đó.

Nhiều người cho rằng một giảng viên có tự trọng và trách nhiệm khi nhìn vào kết quả đánh giá của sinh viên sẽ tự biết mình phải làm gì. Hơn nữa, việc đánh giá nên tiến hành với mục đích thúc đẩy sự phát triển không ngừng của giảng viên, không phải vì mục đích đẩy giảng viên ra khỏi trường. Vậy còn trường hợp giảng viên không "chấp” những đánh giá đó, phương cách giải quyết ra sao?

Ông Đỗ Diên, Phó trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) đề xuất: "Nên chăng đặt ra chế tài nào đó để điều chỉnh hoạt động giảng dạy của giảng viên sau khi khảo sát. Trường mong muốn Bộ cần có quy định pháp lý bắt buộc giảng viên phải tham gia đánh giá trong mỗi năm học”.

Thực tế tại một số trường, sinh viên cho biết họ đánh giá qua phiếu một cách đại khái, qua loa. Vì thường phiếu đánh giá được phát vào cuối giờ học và không có thời gian cân nhắc. Mặt khác, nhà trường thường phát cả tập 5-7 phiếu cùng lúc nên không thể làm kỹ, chính xác. Điều này hoàn toàn có lý khi Bộ đến nay chưa ban hành chuẩn nghiệp vụ sư phạm đối với giảng viên các trường CĐ, ĐH làm căn cứ thực hiện đánh giá, lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên, thường do các trường tự xây dựng. Thậm chí như phiếu điều tra xã hội học khi hỏi sinh viên nếu có người nhà có muốn hướng nghiệp vào trường này không?

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho rằng, để hoạt động này đạt hiệu quả tốt cần ban hành quy định về công tác lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Bộ chủ trì xây dựng mẫu phiếu đánh giá chung (hoặc phần mềm) giúp các cơ sở giáo dục đại học tiến hành triển khai công việc này một cách thuận lợi. Trong khi một số đại biểu đề xuất không nên xây dựng một mẫu đánh giá chung áp dụng cho tất cả các trường, mà chỉ nên đưa ra những định hướng để các trường tùy thuộc vào điều kiện, đặc điểm của trường mình tự xây dựng mẫu đánh giá riêng cho phù hợp…
-----------------------------------------------  

Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét