top menu

Thí sinh Giọng hát Việt: Chưa có bột đã gột nên hồ?

Mới chỉ đi qua một nửa chặng đường, nhưng hầu hết các thí sinh The Voice đã sớm được  "va chạm" với phòng trà và các show diễn. Liệu có chăng thực tế, họ chưa thành thí sinh đã sớm thành ca sĩ ngay tại cuộc thi?
Kể từ lúc The Voice chính thức đổ bộ về Việt Nam, công chúng đã được đón chào một cuộc thi âm nhạc “vô tiền khoáng hậu”. Sự độc nhất vô nhị ở The Voice không chỉ nằm ở format trong vòng Giấu mặt, hay ở những lùm xùm scandal lẫn cuộc họp báo dở cười dở mếu, mà còn ở thực tế hy hữu các thí sinh chưa thi xong đã thành ca sĩ đắt show. 
Lịch sử đã chứng minh, chưa từng có cuộc thi nào các thí sinh lọt top 28 ngay trong quá trình thi đã được đặt nghệ danh đi hát, được mời mọc ở các phòng trà, và được lên sân khấu sánh đôi với những ngôi sao hàng đầu đất Việt như Mr Đàm, Thu Minh, Hà Hồ, Trần Lập… Nếu ai đó rảnh rỗi làm một bài tổng kết các trang báo đăng tải tin tức thí sinh The Voice hát tại show nọ show kia, hẳn cũng phải mệt nhọc mất trọn cả ngày. Chưa kể mỗi lần những thí sinh này xuất hiện là đi kèm theo đó những câu quảng cáo đến tận giời xanh, khiến ai mà trót “lạc hậu” không xem The Voice sẽ nghĩ mình đang được giới thiệu về một danh ca nào đó của đất nước.

Những băng rôn, áp phích tại tụ điểm ca nhạc quảng cáo về các thí sinh The Voice ngay khi họ vẫn đang tham dự cuộc thi âm nhạc
Những băng rôn, áp phích tại tụ điểm ca nhạc quảng cáo về các thí sinh The Voice ngay khi họ vẫn đang tham dự cuộc thi âm nhạc
Việc vừa làm thí sinh vừa làm ca sĩ trong cuộc thi có thể giúp tên tuổi của họ nhanh chóng được công chúng biết đến. Vậy nhưng, đánh đổi với “hào quang sớm” đó là việc thí sinh không còn dồn hết “công lực” cho cuộc thi, cũng như khả năng bị mất giọng, đổ bệnh trước ngày diễn vì đã "hùng hục" chạy show quá nhiều trong tuần.
Thực tế này đã và vẫn đang diễn ra tại The Voice, khi hàng loạt gương mặt nổi bật của các đội đều gặp vấn đề về sức khỏe. Tuần trước có Bảo Anh sau phần thi tệ hại đã phải lật đật lên báo thanh minh “Tôi bị viêm họng”, tuần nay trước ngày ra quân đã có Đào Bá Lộc, Thái Trinh, Hương Giang, Thiều Bảo Trang “đánh vật” với bệnh tình.
Bên cạnh đó, dù có “đẳng cấp” đến đâu, The Voice vẫn chỉ đơn giản là một cuộc thi âm nhạc, và những ca sĩ chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp gì đó vẫn đang giữ vai trò là thí sinh. Những cuộc thi âm nhạc khác đặt mục tiêu rèn giũa kỹ năng, hướng dẫn chuyên môn để thí sinh làm quen với môi trường học hành bài bản. Còn The Voice, có vẻ chương trình này đặt hai chữ “tên tuổi” lên trên tất cả. Để có tên tuổi, phải có PR, phải có lùm xùm, và tất nhiên phải có chạy show. Thế nên mới có việc kể từ đầu chương trình đến giờ, khán giả được nhìn thấy hình ảnh các thí sinh The Voice xuất hiện trên các tấm băng rôn quảng cáo ở phòng trà, sân khấu âm nhạc, hoặc trong những cuộc vui chơi xem phim du thuyền, nhiều hơn hẳn tần suất xuất hiện ở phòng luyện thanh.
Cách đây vài ngày, trong buổi họp báo Vietnam Idol, hai giám khảo Quốc Trung và Quang Dũng đã thẳng thắn nêu quan điểm của cuộc thi được xem là đối thủ của The Voice này:
“Vietnam Idol năm nay, các thí sinh được làm quen với một công nghệ mới là tai nghe chuyên dụng cho nghệ sĩ hát live trên sân khấu để các thí sinh nghe được giọng thật của mình để đưa ra điều chỉnh hợp lý, còn việc hát ở quán bar sẽ vô tình khiến họ quay lại với cách hát cũ, cố gắng gào rú và la hét”.
Trong buổi giao lưu với top 10 Vietnam Idol, các giám khảo đã bày tỏ quan điểm về việc đào tạo thí sinh hoàn toàn khác với The Voice
Trong buổi giao lưu với top 10 Vietnam Idol, các giám khảo đã bày tỏ quan điểm về việc đào tạo thí sinh hoàn toàn khác với The Voice
Top 10 của Vietnam Idol vẫn đang được hướng dẫn tỉ mỉ về thanh nhạc, kỹ năng biểu diễn, trong khi top 30 của The Voice hình như đã sớm thành tài để được “xuất ra thị trường”. Đó là do sự chênh lệch về đẳng cấp thí sinh, hay bản chất nằm ở sự khác nhau trong triết lý đào tạo của hai cuộc thi âm nhạc này?
Nếu câu trả lời nằm ở vế thứ nhất - sự chênh lệch về đẳng cấp thí sinh - thì có lẽ các chiến binh The Voice đã đủ xuất thần như ca sĩ chuyên nghiệp, và The Voice chỉ là “cái cớ” giúp tên tuổi của họ được lăng xê nhiều hơn. Vậy thì hẳn đã không có chuyện Siu Black khi hát phòng trà cùng các chiến binh đội Trần Lập, phải bức xúc nói về sự “vô lễ” của một nữ thí sinh đồng thời nhận xét giọng ca cô gái này chỉ mới chỉ dừng ở “bản năng gào rú”. Hay cũng chẳng có chuyện khá nhiều người tỏ ra thất vọng khi được nghe giọng hát live thật của nhiều thí sinh The Voice sau đêm liveshow đầu tiên.
Siu Black từng trở thành
Siu Black từng trở thành "người thừa" khi hát cùng thí sinh The Voice tại phòng trà
Dù sao thì lựa chọn cách đào tạo thí sinh thế nào tùy thuộc vào định hướng và mục đích của chương trình. Chỉ có điều, The Voice từ trước ngày ra mắt đã luôn “vỗ ngực” đây là cuộc thi âm nhạc lựa chọn những giọng ca đích thực, kiếm tìm những cá tính đạt điểm chuẩn về chuyên môn. Nếu đó đúng là triết lý của The Voice, thì việc chương trình này để các thí sinh sớm “lăn lộn” giữa các tụ điểm, phòng trà có giúp các bạn sớm trở thành cá tính âm nhạc, hay đang dần khiến các bạn chuyển qua giai đoạn làm một người thợ hát? Hay sau cuộc thi, những người từng là ca sĩ như Tiêu Châu Như Quỳnh, Xuân Nghi, Bùi Anh Tuấn, Kim Loan… vẫn sẽ chẳng có gì thay đổi về chuyên môn so với ngày họ bắt đầu vào nghề? Và điều khác duy nhất là họ đã được The Voice cấp cho một “tấm vé lăng xê” đảm bảo để biến đó thành bệ phóng trở thành ca sĩ nổi tiếng hơn trong mắt công chúng?
Thế thì ta nên vỗ tay cho The Voice, nhưng không phải vỗ tay cho một cuộc thi âm nhạc, mà đơn thuần hoan nghênh một chương trình giải trí giúp thí sinh trở thành “người nổi tiếng” thay vì trở thành một “ca sĩ đích thực”.
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét