top menu

Đừng ép “măng” thành “tre” như thế

Cuộc thi “Giọng hát Việt nhí” (GHVN) vừa kết thúc cách đây không lâu, để lại trong dư luận nhiều luồng ý kiến khác nhau, khen cũng nhiều mà chê cũng không ít. Riêng với người viết lại có cảm giác bất ổn bởi lẽ một sân chơi, mặc dù là để trẻ em thi hát nhưng lại không phù hợp với bản chất ngây thơ, hồn nhiên vốn có. 
Top 5 giọng hát Việt nhí của đội Thanh Bùi. Ảnh có tính chất minh họa (Nguồn: Internet)
Top 5 giọng hát Việt nhí của đội Thanh Bùi. Ảnh có tính chất minh họa
Giọng các em rất hay, thậm chí là độc đáo nhưng trên cái nền ấy, người lớn đã “nhào nặn”, gò ép các em già trước tuổi bằng việc thể hiện các bài hát, trong đó có nhiều bài không phải viết dành riêng cho lứa tuổi thiếu nhi, cùng với phong cách cũng không phải của các em nốt.
Nhớ lại cách đây chưa lâu, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, trong nhận xét của mình về các giọng hát nổi tiếng của nước nhà như Thanh Lam, Hồng Nhung, Đàm Vĩnh Hưng v.v... có nói đại ý là, nhiều người hát mà không nhập hồn được vào bài hát, không toát lên được ý đồ của người sáng tác....
Vậy mà các em nhỏ của chúng ta, mới trên dưới 10 tuổi thì  làm sao hát cho hay, cho có hồn những bài hát không phải là viết riêng cho các em, chẳng hạn như “Sắc màu” của Trần Tiến, “Hồ trên núi” của Phó Đức Phương hay “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang” của Lê Quang... 
Đã xuất hiện trong chương trình những “giọng hát nhí” mang phong cách của các giọng hát thời thượng bậc chú bác, thậm chí chưa nói là bản sao của các ca sỹ người lớn. Các em có chất giọng tốt nhưng phong cách lại bắt chước, dập khuôn người lớn nhiều quá. Có người đã nói không sai rằng đây là “một sân chơi nhí nhưng luật chơi là của người lớn” vì không khó nhận thấy nó cũng không khác mấy với cách thức tổ chức Giọng hát Việt (“The voice”) là bao nhiêu và trong mỗi đêm diễn, không khó nhận ra lượng khán giả xem là người lớn chiếm đa số. 
Có cảm giác như người lớn huấn luyện các em như những “chú gà đá” để hàng tuần ra “chọi” với nhau, rồi thay nhau khen ngợi, tung hô, làm như các em là “hay nhất quả đất (ca sỹ Hiền Thục nhận xét về “gà” của mình như vậy). Sự ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng của các em đã giảm đi nhiều khi được người lớn “cưỡng ép” để trưởng thành sớm như vậy. Chưa hết, còn có chuyện Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa và UBND phường sở tại của “quán quân GHVN” Quang Anh đã có công văn gửi khắp nơi yêu cầu nhắn tin ủng hộ cho “gà” của địa phương mình”.
Quả thật người lớn đã làm hỏng trẻ em, bắt các tài năng nhí “chín sớm”, “chín ép”, già trước tuổi, chưa nói là dễ làm các em sớm có tư tưởng kiêu ngạo, vị tiền ngay từ lứa tuổi măng non. Được biết, giải nhất GHVN 2013 lên đến 300 triệu đồng và  quán quân Quang Anh còn được Công ty Cát Tiên Sa ký hợp đồng làm ca sỹ độc quyền nữa.  
Rồi đây, không biết tương lai của các em có hứa hẹn sáng sủa gì hơn khi những tài năng nhí này đi lên từ một sân chơi không phù hợp với lứa tuổi của mình.
Các em hoàn toàn  không có lỗi trong chuyện này, chỉ có người lớn, những nhà tổ chức và cả một số tờ báo, đã tạo nên một lớp trẻ già không... đợi tuổi, không trẻ “măng” mà là trẻ “tre”. Cách làm đó chỉ sớm dẫn đến sự thui chột của tài năng, đáng lẽ phải được nuôi dưỡng trong môi trường, sân chơi phù hợp với lứa tuổi và bản chất của các em
-----------------------------------------------
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét