top menu

Những cú ‘chơi xỏ’ khán giả của giới bầu sô

Vụ “treo đầu dê bán thịt chó” của chương trình vào đêm 15/12 tại Bến Tre lại một lần nữa báo động tình trạng kinh doanh chụp giật của các bầu sô ca nhạc. Đây không phải là lần đầu tiên khán giả bị lừa.
Tháng 3/2012, các ca sĩ Cẩm Ly, Thanh Thảo, Đan Trường… tá hỏa khi biết một chương trình tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội, treo băng-rôn quảng cáo có tên mình, trong khi đó Cẩm Ly thì đang ở… Sài Gòn, Thanh Thảo thì có lịch diễn nơi khác còn Đan Trường thì cho biết anh không có hợp đồng biểu diễn nào tại Hà Nội vào thời điểm đó. Ngay lập tức, các ca sĩ đã truy tìm số điện thoại của bầu sô kia để hỏi cho ra, tuy nhiên, cho đến khi liên lạc được thì chương trình đã diễn ra, khán giả đã “ăn quả lừa” khá đậm.
Người dân Bến Tre bức xúc vì bị BTC chương trình "Đỉnh cao âm nhạc - giải trí xuyên đất Việt" lừa.

Năm 2003, một cuộc đập phá sân khấu đã diễn ra tại thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh. Chương trình Quà tặng âm nhạc được giới thiệu là có Mỹ Tâm, Đan Trường nhưng thực chất chỉ là có vài giọng ca "lạ" tham gia. Phẫn nộ, nhiều thanh niên đã xông lên khán đài đập phá sân khấu và rượt đánh người của ban tổ chức. Những thanh niên này sau đó còn kéo đến Phòng Văn hóa - Thể thao Cẩm Phả để đốt phông màn, bàn ghế…, thiệt hại 50 triệu đồng. Công an Cẩm Phả phải huy động lực lượng để giữ gìn trật tự. Bầu sô chương trình này sau đó bị bắt và truy tố về tội lừa đảo.
Cũng ở khu vực miền Bắc, năm 2005, nhiều khán giả Nam Định bỏ tiền mua vé chương trình Thành phố gọi tình yêu đã nổi giận khi đến sát giờ diễn, chương trình bị hủy không lý do và cũng không được trả lại tiền vé, bầu sô bỏ trốn mất tăm. Thậm chí, một số ca sĩ được mời biểu diễn cũng không được thông báo, đành phải tìm cách trốn trước sự phẫn nộ của khán giả. Ca sĩ Duy Mạnh đã lãnh một chiếc ghế vào lưng khi cố đứng ra giải thích, phải nhờ đến lực lượng 113 can thiệp mới có thể ra khỏi sân khấu an toàn.
Năm 2008, nhóm nhạc Huyền Thoại gồm hai thành viên là Khánh Đơn và Khánh Trung đã bức xúc kêu cứu khắp nơi vì bị… nhái. Sau khi được thành lập và có nhiều ca khúc hit, Huyền Thoại trở thành cái tên khá hot thời điểm đó, và đó cũng là lúc có một nhóm Huyền Thoại “nhái” xuất hiện biểu diễn khắp khu vực miền Bắc. Nhiều chương trình còn in hình hai thành viên của nhóm trên băng-rôn, trên xe chạy rao khắp phố, trong khi nhóm “chính chủ” không hề nhận được lời mời biểu diễn nào. Sự việc lặp đi lặp lại ở nhiều nơi, Huyền Thoại phải gửi đơn đến cơ quan quản lý các tỉnh, thành có chương trình mạo danh kêu cứu.
Tháng 2/2009, BTC chương trình Chào xuân 2009 diễn ra tại Nhà hát Nhân dân Hải Dương treo băng- rôn quảng cáo có tên ca sĩ Akira Phan và ca khúc Mùa đông không lạnh đang hot của anh, dù trước đó khi được mời tham gia anh đã từ chối. Sự việc được báo lên Sở VH-TT-DL Hải Dương xem xét nhưng không có gì thay đổi, băng-rôn vẫn treo, ca sĩ vẫn không diễn! Cùng thời diểm này, ca sĩ Nhật Kim Anh cũng than trời vì tên mình bị ghi trên băng-rôn khắp nơi ở Hà Nội, dù cô đang nghỉ ngơi tại Sài Gòn.
Gần đây, vào năm 2010, Đàm Vĩnh Hưng ký hợp đồng biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội với một bầu sô. Theo hợp đồng, anh chỉ biểu diễn 1 đêm, tuy nhiên, bầu sô đã tận dụng tên anh để quảng bá cho đêm tiếp theo. Một cuộc cự cãi ì xèo đòi bồi thường tiền vé đã diễn ra giữa fan của Đàm Vĩnh Hưng và ban tổ chức ngay tại cửa nhà hát.
Còn khán giả tại TP.HCM, nơi có phong trào ca nhạc, giải trí sôi động nhất nước, nhiều lần cũng “ăn phải quả lừa” của giới bầu sô làm ăn chụp giật. Tối 5/12, Gala xiếc mới 2012 diễn ra tại tại bãi đất trống phía sau Công ty giày Huê Phong, đường Phạm Văn Chiêu, P.14, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Tuy nhiên, thay vì đây là “chương trình lần đầu tiên xuất hiện, biểu diễn tại Việt Nam đẳng cấp quốc tế; các tiết mục, nghệ sĩ được đào tạo và biểu diễn tại Trung Quốc, Nga, Pháp; tiết mục đoạt HCV, HCB tại liên hoan xiếc trong nước và quốc tế; xiếc thú với 10 loại thú khác nhau…” như băng-rôn quảng cáo, thì chương trình chỉ có năm, sáu tiết mục xiếc nhạt nhẽo. Cái tên nghệ sĩ Đình Học đến từ Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng được tô đậm trên băng-rôn, thế nhưng theo NSƯT Phạm Văn Xuyên, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, thì “Liên đoàn không có ai tên… Đình Học cả”.
Tháng 2/2012, Sở VH-TT-DL Đồng Nai cũng xử phạt công ty Ba Miền 9,5 triệu đồng về hành vi mạo danh thí sinh Đồ Rê Mí. Theo đó, chương trình dành cho trẻ em này được quảng cáo là có sự biểu diễn của các thí sinh đoạt giải Đồ Rê Mí, tuy nhiên, khi chương trình diễn ra thì toàn là những gương mặt lạ hoắc chưa từng dính đến chương trình nổi tiếng của VTV.
Ngoài ra, chương trình còn biểu diễn nhiều tiết mục hài tục, không nằm trong nội dung cấp phép. Không chỉ thế, đơn vị tổ chức đã bán vé vượt với số ghế tại điểm diễn, khiến nhiều em sau khi chen lấn để mua cho được vé, phải đứng ngoài cổng ngó vào. Hơn thế, sau khi bị xử phạt tại Đồng Nai, vài ngày sau chương trình tiếp tục diễn ra ở Bình Dương với những vi phạm tương tự. Sau khi bị phản ánh, Sở VH-TT-DL Bình Dương tiếp tục xử phạt công ty này 10 triệu đồng. Trước đó, Đồ Rê Mí cũng bị mạo danh tại Điện Biên, khi chương trình được quảng cáo là “ca múa nhạc thiếu nhi do thí sinh Đồ Rê Mí biểu diễn” do công ty Cổ phần Điện ảnh và Truyền hình Sài Gòn tổ chức, nhưng 2/3 lại là tiết mục xiếc, bán vé vượt mức giá đăng ký và dĩ nhiên, không hề có thí sinh Đồ Rê Mí nào.
Thực tế, hình thức “treo đầu dê” phổ biến nhất vẫn là nhái tên ca sĩ nổi tiếng. Từng có một thời cái tên Đàm Vĩnh Hùng tung hoành ngang dọc khắp các tỉnh miền tây, biểu diễn các ca khúc hot của Đàm Vĩnh Hưng, và trên băng-rôn thì dấu huyền của chữ Hùng được vẽ sao cho thật giống chữ Hưng. Hoặc những cái tên như Lâm Quang Long được viết khá giống Vân Quang Long, còn “ca sĩ” Tiểu Đan Trường thì hai chữ “Đan Trường” choáng gần hết mặt tiền bang-rôn, còn chữ “Tiểu” thì bé xíu bên cạnh…
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét