top menu

Nhạc sĩ An Thuyên: Tin vào thế hệ trẻ

“Vừa rồi khi Tùng Dương đoạt giải Bài hát Yêu thích của năm với ca khúc Chiến khăn Piêu, có ông bạn ở Thanh Hóa đã gọi điện cho tôi bày tỏ rất bức xúc. Ông cho rằng Tùng Dương hát như vậy là phá bài hát. Nhưng tôi lại nghĩ Tùng Dương giành giải là xứng đáng bởi em đã biết làm mới chất dân gian Việt Nam” – nhạc sĩ An Thuyên bày tỏ.
Vài năm trở lại đây, có một dòng nhạc đã len lỏi và dần tạo chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc- đó là nhạc dân gian đương đại. Dù cho không ít nhạc sĩ trẻ đổ xô theo trào lưu nhạc thị trường và gặt hái không ít “danh hiệu” thì vẫn có một lớp nhạc sĩ trẻ trung thành với việc khai thác chất liệu dân gian để đưa vào tác phẩm nhạc đương đại. Nhưng con đường này không phải lúc nào cũng trải hoa hồng, nhất là trong thời buổi văn hóa truyền thống dân tộc đang bị lấn át như hiện nay.
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhạc sĩ An Thuyên, tác giả của những ca khúc dân gian nổi tiếng như “Ca dao em và tôi”, “Huế thương”,…
- Là một nhạc sĩ mà tên tuổi gắn liền với những ca khúc mang âm hưởng dân gian trữ tình, ông nhận xét thế nào về xu hướng các nhạc sĩ sử dụng chất liệu dân gian trong các sáng tác đương đại?
Theo tôi, bất kì văn nghệ sĩ nào khi đã là người Việt Nam đều muốn kết hợp giữa yếu tố đương đại và những nét văn hóa truyền thống chứ không riêng gì các nhạc sĩ. Nhất là trong thời buổi hội nhập như hiện nay, tính dân tộc càng phải được đề cao bên cạnh tính đương đại. Đã có nhiều nhạc sĩ làm được điều này mà tiêu biểu xuất sắc như Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Vân… Các cụ đã có đóng góp quan trọng là đưa âm nhạc Việt Nam trở thành nhạc bác học. Tiếp theo đó là thế hệ của Trần Tiến, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Dương Thụ… và bây giờ là Lê Minh Sơn, Giáng Son, Đỗ Bảo… Tôi nghĩ, bất cứ nhạc sĩ chân chính nào cũng đều khao khát nói lên được tiếng nói của thời đại đang sống. Và chừng nào một nền nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng còn bám rễ được vào cội nguồn văn hóa dân tộc thì chừng ấy nền âm nhạc, nghệ thuật mới vững chắc. Nếu chúng ta không bám được vào cội rễ dân tộc thì những sáng tạo chỉ là thứ con lai, pha tạp mà thôi.

"Tôi nghĩ rằng, cần phải nhìn nhận âm nhạc dân gian Việt Nam là đương đại của những năm tháng này, thời đại này thì mới tạo cơ hội cho lớp trẻ phát triển được."

- Sau vài ba năm gây sóng gió với những sáng tác của Giáng Son, Lê Minh Sơn… có vẻ như nhạc dân gian đương đại đang rơi vào thời kỳ thoái trào. Có quá ít tác phẩm của các nhạc sĩ trẻ gây được ấn tượng với công chúng?
Thực ra tôi vẫn luôn tin ở lớp trẻ hiện tại. Có nhiều em viết hay lắm, viết mới mẻ mà vẫn rất Việt Nam. Tất nhiên cũng loại trừ trường hợp có những em bắt chước, học tập, nói lại thứ ngôn ngữ của người khác. Nhưng đó cũng là điều bình thường. Trong 100 em có khoảng một nửa em Việt Nam đã quý lắm rồi. Còn các em khác, tôi cho rằng chính xã hội Việt Nam, dân trí Việt sẽ chọn lọc và đào thải thôi. Tôi cho đó là con đường đúng đắn mà bất kì người nhạc sĩ nào cũng phải vươn tới.
Hơn nữa, dân gian cũng chỉ là một phương tiện thôi. Vấn đề là tâm hồn Việt Nam của anh sẽ quyết định thành công của tác phẩm âm nhạc chứ không phải là nhờ cậy vào dân gian mà anh thành công. Nếu chất dân gian là máu thịt thì kiểu gì anh cũng tìm được hướng đi thích hợp. Dân gian chỉ là một điều kiện cho tài năng của anh phát triển, nếu không chẳng khác nào chúng ta dựa vào ông bà ta để sống mà chẳng có dấu ấn thời đại nào. Tôi nghĩ nếu đã theo đuổi nghiệp này cần phải kiên trì, chắc chắn sẽ có được thành công.
Những sáng tác của lớp trẻ bây giờ cũng có hai loại. Một là tương đối đậm đà chất Việt Nam, kể cả trong lời ca. Một loại là mang âm hưởng, tinh thần dân tộc nhưng sử dụng bút pháp hiện đại. Cũng còn một nữa là sao chép, bên nguyên xi của nước ngoài vào Việt Nam, bắt chước, vay mượn một cách thô lỗ. Theo tôi cần ủng hộ 2 xu hướng đầu.
- So với những thế hệ nhạc sĩ đi trước, có vẻ như các nhạc sĩ hiện nay sử dụng chất liệu dân gian trong nhạc đương đại chưa thực sự được nhuần nhuyễn?
Trước tiên cần phải quan niệm lại xem thế nào là chất dân gian. Chất dân gian của thế kỉ 21 đâu thể như thế kỉ trước. Là dân gian nhưng vẫn phải ở trong sự phát triển. Hơn nữa, đâu cứ phải dân gian mới là Việt Nam. Dân gian chỉ là cái nằm trong hơi thở, không phải hoàn toàn, đặc sệt và rõ nét lộ ra bên ngoài. Tôi cho rằng nên có cách tiếp cận, nhìn chất dân gian một cách rộng hơn.
Vừa rồi khi Tùng Dương đoạt giải Bài hát Yêu thích của năm với ca khúc Chiến khăn Piêu, có ông bạn ở Thanh Hóa đã gọi điện cho tôi bày tỏ rất bức xúc. Ông cho rằng Tùng Dương hát như vậy là phá bài hát. Nhưng tôi lại nghĩ Tùng Dương giành giải là xứng đáng bởi em đã biết làm mới chất dân gian Việt Nam. Các em giờ đã trưởng thành rồi, chúng nhìn văn hóa dân tộc qua lăng kính, sở trường và khả năng của mình. Không thể bắt họ hát “Chiếc khăn Piêu” như thế hệ của Kiều Hưng được. Lớp trẻ hát lại thì đương nhiên phải có sự biến đổi, phải có hơi thở của thời đại chứ. Tôi nghĩ rằng, cần phải nhìn nhận âm nhạc dân gian Việt Nam là đương đại của những năm tháng này, thời đại này thì mới tạo cơ hội cho lớp trẻ phát triển được.
-  Là nhạc sĩ có nhiều thành công trong việc sử dụng các chất liệu âm hưởng dân gian trong sáng tác, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với lớp trẻ?
Với tôi, điều trước tiên có lẽ là từ trước khi bắt đầu viết nhạc, tôi đã được thấm đẫm trong suối nguồn dân ca Việt và dân ca vùng khu IV quê tôi. Ngay từ khi lọt lòng mẹ đã được nghe những khúc dân ca. Lớn lên đến 7, 8 tuổi rồi 12 tuổi đã làm nhạc công trong gánh hát gia đình. Tiếng đàn, tiếng nhị, tiếng sáo cứ thấm vào người mình. Thế hệ chúng tôi vẫn cứ hay đùa nhau, cắt máu chỗ nào cũng thấy chất dân tộc trong đó. Vì thế, chất dân tộc chính là sở trường của tôi, nếu có thành công thì chính là thành công ở đó. Năm 1971, 1972 khi tôi viết ca khúc “Em chọn lối này” là  mới ngoài 20 tuổi. Sau này là các ca khúc “Ca dao em vào tôi”, “Huế thương”, “Hà Tĩnh mình thương”… Càng lúc này, chất dân tộc càng thấm đẫm trong tâm hồn và được đẩy lên trong những sáng tạo.
Đến bây giờ tôi vẫn tiếp tục con đường mình đã chọn nhưng có học tập thêm các yếu tố đương đại để làm mới mình. Một An Thuyên những năm 2000 không thể như những năm 1900 được. Tất nhiên tôi vẫn trân trọng dòng nhạc dân ca trước đó, bởi nó làm nên khuôn mặt An Thuyên. Nhưng nếu tôi chỉ bằng lòng với những gì đã có, thỏa mãn với cá nhân mình thì tôi sẽ thui chột. Tôi tin các nhạc sĩ khác cũng vậy. Giai đoạn này, lớp chúng tôi đang tiếp tục xu hướng dân gian và phong cách đương đại. Những sáng tác mới như “Biển và em”, “Phật bà nghìn mắt nghìn tay”… đơn giản hơn, gần gũi và có gì đó tự do, phóng khoáng hơn, khác với những ca khúc trước đây có sự đằm thắm, chiêm nghiệm, ngâm nga. Người nghe nhạc bây giờ vì thế cũng đỡ phải cố gắng, đỡ phải suy nghĩ hơn vì nó gần với họ. Đến sau này dù thế nào tôi vẫn theo con đường đã chọn, những sáng tác có hơi thở của sự trẻ trung, tươi mới nhưng vẫn phải là những chất liệu bắt nguồn từ dân gian.
- Lớp trẻ hiện không có nhiều điều kiện sống trong môi trường dân ca như thế hệ trước. Đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến cho sáng tác thuộc dòng nhạc dân gian đương đại gần đây kém sức hút với khán giả?
Trong thời buổi hội nhập, văn minh thế giới ùa vào Việt Nam, các em có thuận lợi là được tiếp cận với văn hóa nhân loại, thành tự nhân loại, nhất là thành tựu công nghệ. Nhưng các em cũng có thiệt thòi là chúng ta đang dần mất đi cái gọi là truyền thống. Bóng dáng làng quê với cây đa, bến nước con đò, với những lời ru, điệu dân ca đang dần vắng bóng. Đó là thiệt thòi với các em.
 Thế nên tôi vẫn kêu gọi các em hãy sống gần hơn với làng quê, học tập văn hóa dân tộc với những gì giản dị, mộc mạc… bởi chỉ có cái đó mới mang màu sắc Việt Nam. Muốn làm một nhạc sĩ Việt Nam thì phải yêu Việt Nam bằng những nét văn hóa ấy. Có vậy các em mới tồn tại được. Tôi vẫn luôn tin tưởng ở dân trí và bản lĩnh của người Việt. Nước ngoài đô hộ chúng ta bao năm mà văn hóa Việt vẫn tồn tại, không thể đồng hóa nổi. Tôi nghĩ văn hóa Việt Nam sẽ luôn tồn tại. Bởi vậy các em hãy cứ sáng tác cho ra đúng chất Việt Nam thì người Việt Nam sẽ công nhận. Còn hiện giờ, các em cũng chỉ đang bắt đầu con đường đi. Có người đã nổi danh, có người chưa nhưng lực lượng sáng tác trẻ rất đáng tin cậy. Tôi đặt niềm tin vào các em!
-----------------------------------------------
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét