top menu

Học kỹ năng sống : Cha mẹ cũng cần kỹ năng lựa chọn!

Với mong muốn con em mình có những trải nghiệm hè thú vị và tích lũy các kỹ năng sống, nhiều bậc phụ huynh không ngại vất vả để xin cho con được vào lớp học "kỹ năng" mà không phải chương trình nào cũng đem lại hiệu quả như mong muốn.

Mùa hè là thời gian nở rộ các chương trình học kỹ năng cho trẻ. Với mong muốn con em mình có những trải nghiệm hè thú vị và tích lũy các kỹ năng sống, nhiều bậc phụ huynh không ngại vất vả để xin cho con được vào lớp học "kỹ năng" mà không phải chương trình nào cũng đem lại hiệu quả như mong muốn.
Học lớp kỹ năng dịp hè cũng phải nhanh chân

Lựa chọn các lớp học kỹ năng sống cho trẻ đang là một xu hướng giáo dục lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam. Hình thức giáo dục này rất phát triển ở các quốc gia tiên tiến với nhiều hoạt động tại lớp và hoạt động mang tính chất trải nghiệm cộng đồng như các "trại hè kỹ năng". Đối tượng của hình thức học kỹ năng này cũng trải rộng: Từ bậc mẫu giáo đến THPT và thậm chí là cả sinh viên ĐH. Ở Việt Nam, các chương trình dạy kỹ năng sống thường hướng đến đối tượng trẻ em từ bậc mẫu giáo đến cấp THCS.

Các lớp kỹ năng như bơi lội, múa, hội họa, nhạc tại Cung Thiếu nhi Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải. Năm nay, nhiều phụ huynh phải xếp hàng từ sáng sớm để có được đơn xin học cho con. Cảnh tượng xếp hàng mua đơn học kỹ năng cũng vất vả không kém việc xếp hàng mua đơn cho con đi học lớp 1. Anh Nguyễn Phong Anh, quận Hoàn Kiếm cho biết: "Con gái tôi thích học múa, nhưng tôi không thể ngờ được là đến mua đơn cho con lại đông như thế này, xếp hàng từ 6h sáng mà vẫn sau bao nhiêu người khác".

Hàng năm, Cung Thiếu nhi Hà Nội thu hút gần 30.000 lượt học sinh đến tham gia học tập, hơn 10.000 lượt học sinh tham gia vui chơi, sinh hoạt hàng tuần cùng với gần 500 cán bộ giáo viên, cộng tác viên tham gia giảng dạy trên 70 bộ môn.

Nhưng nở rộ nhất vẫn là các lớp "kỹ năng sống". Từ các cung văn hóa thiếu nhi, các trung tâm văn hóa quận đến các tổ chức tư nhân đều tích cực mở rộng loại hình "giảng dạy kỹ năng sống" này. Tại Trung tâm Văn hóa quận Ba Đình có các lớp: Giao tiếp ứng xử, học phí 860.000 đồng/khóa; dẫn chương trình, kể chuyện, học phí 400.000 đồng/khóa. Cung Thiếu nhi luôn duy trì và phát triển các bộ môn có nội dung về giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức và tính kỷ luật; kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng làm việc nhóm… Trung tâm Tâm Việt cũng tiếp tục tổ chức chương trình đào tạo "Kỹ năng sống dành cho trẻ em" năm 2012 với nội dung chi tiết về 4 kỹ năng: Kỹ năng thuyết trình hiệu quả, kỹ năng giao tiếp và ứng xử hiệu quả, kỹ năng học tập hiệu quả, kỹ năng làm việc đồng đội cho đối tượng là trẻ em từ 5 đến 15 tuổi. Ngoài ra, còn hàng loạt các trung tâm khác tham gia mở lớp đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em như: Cty Đào tạo kỹ năng truyền hình TVPro (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khóa học “Tôi tài giỏi” của Cty TGM Corporation, Trung tâm Smile's House…

Khóa học kỹ năng của TT Tâm Việt. Nguồn: TT Tâm Việt

Ép con học từ quá sớm giữa "vàng - thau" lẫn lộn


Việc nhiều phụ huynh lựa chọn các lớp học kỹ năng hè, trong đó có lớp học kỹ năng sống xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Tạo không gian vui chơi lành mạnh, bổ ích cho con nhân dịp hè, giúp con có thể hòa nhập cộng đồng tốt, rèn luyện thêm những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Nhưng nhiều phụ huynh lựa chọn các khóa học cho con từ quá sớm. Trên diễn đàn lamchame.com, thành viên Chippeo bày tỏ: "Hè này mình cũng định cho con gái đi học ở Cung Thiếu nhi nhưng con mình cuối năm mới được 4 tuổi không biết ở đó nhận không nữa". Một thành viên khác cũng băn khoăn: "Các mẹ ơi, bé nhà mình mới được 34 tháng thì có đi học kỹ năng giao tiếp được không nhỉ. Bé nhà mình tuy đi lớp rồi nhưng cũng vẫn nhút nhát lắm".

Cho con đi học các lớp kỹ năng khi còn quá sớm không hẳn đã mang lại hiệu quả như mong muốn khi môi trường tiếp xúc trở nên quá rộng, ngôn ngữ truyền tải của bé chưa thật sự hoàn thiện… Thực tế cho thấy có những dạng kỹ năng sống phải do chính cha mẹ dạy cho con từ khi còn nhỏ như: Cách ăn uống, cách băng qua đường, không chạm tay vào lửa hoặc ổ cắm điện, không nhảy từ trên cao xuống… Còn với những kỹ năng thuộc vấn đề tâm lý xã hội như kỹ năng khám phá bản thân, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giải quyết vấn đề, diễn đạt hiệu quả… thì cần con đến tuổi nhất định, phát triển về mặt ngôn ngữ và có khả năng làm quen với môi trường đám đông mới có thể tham gia được.

Thêm vào đó, những môn học kỹ năng sống tại Việt Nam không có một giáo trình chung cụ thể nào, mỗi trung tâm sẽ dạy theo nội dung và phương pháp khác nhau, học phí cũng khác nhau. Việc có cơ quan kiểm định chất lượng các chương trình kỹ năng sống tại Việt Nam lại càng xa vời hơn nữa, nên không phải lớp kỹ năng sống nào cũng chất lượng "vàng" và giúp con trưởng thành hơn như các bậc phụ huynh thường kỳ vọng.

Cũng có trường hợp, lớp kỹ năng sống gây tác dụng ngược. Bích Huệ, sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: "Em nhận dạy thêm Văn cho một học sinh lớp 6 tại quận Cầu Giấy, được đúng 2 tuần thì em bỏ, vì em học sinh này tham gia khóa học "Tôi tài giỏi" và thường có thái độ biểu hiện rất lạ kỳ. Luôn cho mình là trung tâm, luôn đúng, luôn cho rằng viết văn phải thế này thế kia mới cá tính, mới thấy được hết cái "tôi", phủ nhận kiến thức của sách giáo khoa. Trước khi nghỉ dạy, em đã thẳng thắn nói với phụ huynh là nên xem lại việc cho con tham gia khóa học này".

Còn chị Phạm Thu Minh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thì lại bày tỏ: "Tôi phải cho con đi học lớp tự kỷ của một cô giáo gần phố Quan Nhân, vì sau thời gian tham gia học lớp kỹ năng sống, cháu nhìn đâu cũng thấy có "nguy hiểm" xảy ra xung quanh bản thân".

Vì vậy, lựa chọn tổ chức có uy tín, xem xét chương trình và phương pháp đào tạo, quan sát thử nghiệm biểu hiện của con sau một vài buổi tham gia lớp kỹ năng sống là cách tốt nhất để cha mẹ không gửi con vào những lớp kỹ năng hè nghe thì to tát nhưng chất lượng "vàng - thau".

Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét