top menu

Từ việc gian lận thi cử: Nghĩ về việc xây dựng nhân cách người Việt

Không phải đợi đến vụ việc “Đồi Ngô”, vấn đề gian lận thi cử mới được đặt ra. Nhưng những gì xảy ra tại phòng thi ấy, trong ngôi trường ấy khiến nhiều tầng lớp xã hội và cả các nhà nghiên cứu giáo dục, giáo viên tìm cách lý giải. Báo Lao Động xin giới thiệu bài viết của độc giả Đào Ngọc Đệ.

Dư luận xã hội khen đề thi môn văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 vừa sức HS, hay và thiết thực; đặc biệt là câu 2 phê phán thói dối trá. Thế nhưng, ngay trong kỳ thi, hiện tượng một số giám thị ném “phao” cho TS, để cho TS “thoải mái” quay cóp, chép “phao” và cả “thông báo” cho TS: “Có thanh tra đến đấy, cất “phao” đi”. Sau mỗi buổi thi, các sân trường ngợp trắng “phao” thi. Tôi dám chắc là rất phổ biến trong cả nước, tuy từng địa phương, từng điểm thi, mức độ vi phạm đậm nhạt khác nhau mà thôi.

Trước đây, khi chưa bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS, thì hiện tượng gian lận như đã nói ở trên đã diễn ra rất nghiêm trọng trong các kỳ thi tốt nghiệp ở cấp học này. Các kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi vào các lớp năng khiếu, trường chuyên và tốt nghiệp THPT lâu nay cũng đều như thế.

Đối với các trường ĐH-CĐ, các kỳ thi tuyển sinh và thi tốt nghiệp cũng diễn ra hiện tượng gian lận đó, tuy nó tinh vi, “êm ái” hơn. Cho đến cả các kỳ thi chọn đầu vào của bậc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và cả các cuộc bảo vệ luận văn, luận án cũng không thiếu sự gian lận, sự móc ngoặc! Nói tóm lại, hiện tượng gian lận thi cử ở tất cả các cấp học, bậc học là căn bệnh trầm kha nhiều năm nay của ngành GDĐT nước ta.

Thật ra, sự gian lận trong học hành, thi cử không chỉ có ở VN, mà có ở nhiều nước trên thế giới. Song, sự gian lận này ở nước ta mang tính phổ biến và ở mức độ đậm đặc, trầm trọng. Gian lận thi cử nằm trong sự dối trá cố hữu, sự tha hóa về đạo đức, lối sống của không ít người Việt! Một dạo gần đây, báo chí nước ta có tổ chức phê phán thói xấu của người Việt, không phải là không có cơ sở. Đây là việc học theo văn hào Lỗ Tấn luôn luôn đau đáu chấn hưng đạo đức người Trung Hoa.

Không nên chỉ đổ lỗi, chỉ phê phán đạo đức giới trẻ học đường, mà chính phải phê phán thói dối trá của người lớn, của toàn xã hội!
Trong phong trào chấn hưng đạo đức người Việt, nhà văn, nhà nghiên cứu xã hội Vương Trí Nhàn đã nói một câu rất đúng đắn, sắc sảo: “Thói xấu nhất của người Việt là rất sợ người khác nói về cái xấu của mình”. Ở đây, nói về sự dối trá, tôi không dùng nhóm từ “một bộ phận không nhỏ”, mà nói thẳng ra là “đa số người dân nước mình” - kể từ nhiều quan chức to - nhỏ đến phó thường dân, ở tất cả các tầng lớp người và các lĩnh vực hoạt động.

Dẫn chứng cho nhận định này không thiếu, chỉ nêu vài điển hình: Quốc nạn tham nhũng là gì, nếu không phải là sự gian lận, là thói dối trá? Tính cách gian trá ấy đã ảnh hưởng rất xấu đến tính cách và tâm lý các thế hệ học đường nước ta. Gian lận thi cử do đấy mà sinh ra! Vì thế, không nên chỉ đổ lỗi, chỉ phê phán đạo đức giới trẻ học đường, mà chính phải phê phán thói dối trá của người lớn, của toàn xã hội!

Gian lận thi cử, đứng ở góc độ khác, nói một cách nhẹ hơn- nó là “bệnh thành tích”. Căn bệnh tưởng như không mấy nguy hại này lại vô cùng nguy hiểm, nó làm méo mó, thậm chí phá hủy nhân cách con người và cả giống nòi. Năm nào, nơi nào cũng tốt nghiệp THPT trên 99%, nhiều trường liên tục đạt 100%.

Các trường ĐH-CĐ thì năm nào cũng 100% tốt nghiệp, nhiều sinh viên đạt danh hiệu SV giỏi, SV xuất sắc, mà chỉ một số người trung thực trong ngành GDĐT mới biết là nhiều khi người ta đã phải “cấy điểm”, để “xây dựng nhân tố điển hình” cho các SV này. Nhiều luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, luận án tiến sĩ bây giờ chỉ như các bài tập khóa luận bình thường ở bậc ĐH những năm 60- 70 của thế kỷ trước. Rồi bao nhiêu danh hiệu thi đua cho tập thể và cá nhân được ban phát một cách hào phóng... “Bệnh thành tích” không phải chỉ có trong ngành GDĐT, mà có ở trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, các ngành, các cấp, các địa phương.

Một số người lý giải: Do áp lực thi cử, do các kỳ thi được tổ chức quá nhiêu khê, nặng nề, nên đã nảy sinh gian lận. Từ đấy mà có dư luận: Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT! Tôi nghĩ: Chưa hẳn và chưa nên như vậy. Những kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 (nay là THPT) và tuyển sinh ĐH vào những năm 60, vài năm đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, cũng tổ chức như các kỳ thi bây giờ, nhưng tại sao ít thấy sự gian lận? Tại sao hầu như không có “sự cố”?

Phải chăng, tính dối trá của con người thời ấy chưa bị mặt trái của nền kinh tế thị trường sơ khai ngày nay tác oai tác quái làm bùng phát lên và xã hội lúc ấy nghiêm chỉnh hơn bây giờ rất nhiều. Còn ý kiến nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT theo tôi là một sai lầm nghiêm trọng. Có học, thì phải có thi. Thi cử đúng đắn, nghiêm túc, sẽ nâng cao chất lượng GDĐT, chất lượng con người. Bỏ thi là điều tối kỵ với một nền GDĐT chân chính.

Tuy nhiên, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT thì nên cải tiến và tổ chức sao cho nhẹ nhàng nhưng nghiêm túc, coi thi và chấm thi nghiêm túc, chân thực, không đòi hỏi quá cao, quá nặng về mặt kiến thức. Cả xã hội nên coi kỳ thi tốt nghiệp THPT (và cả kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ) là “chuyện bình thường” của xã hội. Nó như việc người dân, người cán bộ, viên chức đi làm hằng ngày.

Để giải quyết vấn đề gian lận thi cử, cũng như các tiêu cực xã hội, Nhà nước và toàn dân phải lên án thói dối trá trong đời sống xã hội, xây dựng nhân cách tốt đẹp cho con người Việt Nam ta.
Tra cuu diem thi lop 10 Tra cuu diem thi  
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét