top menu

Việc học, lo lắm chứ!

Việc học hành của con trẻ là nỗi lo lớn nhất của mọi gia đình nên những thành bại của ngành giáo dục có tác động rất lớn đến mỗi người dân. Ngành giáo dục nước ta trong những ngày này đang là một khối mâu thuẫn lớn, một bức xúc gắt gao của toàn xã hội. Đòi hỏi phải nghiên cứu giải quyết.

Khiếm khuyết giáo dục không sinh ra từ một ngày, từ một người. Sự sửa đổi cũng cần một lộ trình, cần một cộng hưởng xã hội. Trách nhiệm không quy cho một người nhưng để sửa chữa lại cần một người lĩnh trách nhiệm. Trong những năm chiến tranh, trong điều kiện khốn khó về vật chất trước đây, ngành giáo dục đã có những thành công. Ấy là sự phát triển vượt bậc về trường lớp, về số lượng người đi học, về các hình thức đào tạo, về sự tính liệu hài hòa cho trước mắt, cho lâu dài.
Đó là công lao, là sáng tạo, là tâm huyết của nhiều nhà sư phạm và đặc biệt của các Bộ trưởng giáo dục tài đức. Có khi chỉ thay đổi một quy chế mà khai sinh một thế hệ tài năng. Việc công bố điểm thi là một thí dụ. Ngày hôm nay, ai cũng thấy là tất yếu nhưng ở thời điểm ban đầu ấy đâu có dễ dàng, người ta chưa quen với sự minh bạch, người ta không thích sự công bằng, hạn chế quyền ban phát, hạn chế những đặc quyền... Chỉ nội thế thôi mà người chủ trương công khai công bố điểm các kì thi đã phải gánh nhiều búa rìu của các quan niệm hạn hẹp.

Nhưng chủ trương đó đã khích lệ, phát hiện và đào tạo được bao nhiêu tài năng. Ngoài ra đã tạo nên một hiệu ứng nỗ lực học tập trong học sinh toàn quốc, tạo nên ngưỡng chất lượng tuyển, chất lượng tốt nghiệp cho các trường đại học, cho sự sử dụng tài năng của xã hội. Có được một quyết định ấy về mặt hành chính phải từ cấp bộ, nhưng về mặt khoa học phải từ một người đã từng học giỏi, có kinh nghiệm rèn luyện tài năng, bản thân phải là một tài năng.
Cũng có khi một biện pháp học tập thi cử nào đấy lại có thể làm thoái hóa sáng tạo, làm thui chột tài năng dù người đề xuất đầy thiện ý. Xuất phát từ ý định tốt đẹp mà hậu quả lại rất tai hại là do tài năng, trình độ của người đề xuất. Vào một ngày đẹp trời nào đó, “sáng kiến” học và thi theo bộ đề được đề xuất, rồi được áp dụng. Tiện cho thầy dạy soạn giáo án, tiện cho thầy chấm có đáp án, tiện cho học sinh học ít mà đỗ nhiều.
Ai cũng nhàn mà thành tích lại cao, chắc chắn phải có một khâu “không thật”. Cũng là theo định luật bảo toàn năng lượng thôi. Ai cũng lợi thì phải có một chỗ chịu thiệt. Chỗ thiệt ấy, ở đây, chính là học sinh mất đi kiến thức hệ thống, là thứ kiến thức biết tạo ra kiến thức, là tiền đề cho sáng tạo. Học theo bộ đề thực chất là một kiểu học tủ. Học tủ vốn là một hạ sách tình thế buộc phải làm cho những ai cần giật vội mảnh bằng để kiếm cơm độ nhật. Nhiều nhà sư phạm đã lên án và loại bỏ. Tai hại là ta lại biến nó thành chủ trương, quốc sách.
Bắt đầu nảy nòi từ khiếm khuyết học hành của một ông khai mào. Tai hại là các ông sau không nhận ra, hay có nhận ra nhưng ngại sửa chữa, sợ mua việc, mất lòng đồng liêu. Học theo bộ đề ngang nhiên tồn tại nhiều năm, tạo ra cả một tác phong luyện thi cho các lò luyện nhà nghề, một lề thói tư duy đối phó, một sự đánh giá máy móc, khô cứng, đầu độc cả vào tâm hồn con người. Ngày nay, lối học, lối thi theo bộ đề đã chấm dứt nhưng di hại của nó vẫn đang còn chính là do sức ngấm của nó vào phương pháp nghĩ, phương pháp cảm nhận và giải quyết việc đời của cán bộ Nhà nước.
Có nhiều dấu hiệu nhỡn tiền bộc lộ sự sa sút của nền giáo dục hôm nay. Dễ thấy nhất là chất lượng các bài thi. Có hạ chuẩn để lấy đỗ nhiều thì ngưỡng kiến thức vẫn là không tương xứng. Tôi đã đọc các bài báo về các học sinh “ngồi nhầm lớp” (chữ dùng khéo quá!), lớp 6 mà chưa đọc thông thạo quốc ngữ. Lại đọc các đoạn văn thi tú tài được các thầy đưa bình trong công luận. Như xem tiếu lâm nhưng cười xong thì khóc. Nếu ngành giáo dục hỏng vụ gieo thì tương lai xã hội mất mùa, đói kém. 

Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét