top menu

Quy định ưu tiên cộng điểm thi ĐH cho Mẹ VN anh hùng - trách nhiệm thuộc về ai?

Một văn bản được ban hành, nhưng chỉ 12 ngày sau đã phải vội vã hủy bỏ. Tại sao lại như vậy? Trách nhiệm thuộc về ai?

Những ngày gần đây, dư luận xã hội nói nhiều đến Thông tư 24/2013/TT-BGDĐT ngày 4 tháng 7 năm 2013 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/8/2013 do Bộ GD-ĐT ban hành. Trong đó có quy định bổ sung 3 đối tượng được cộng 2 điểm ưu tiên vào ĐH, CĐ gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Ngay sau khi Thông tư 24 được ban hành, nhiều  ý kiến trong xã hội phản đối mạnh mẽ về tính thiếu thực tiễn của Thông tư này. Các ý kiến phân tích rằng, hiện nay những Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã khoảng 80, 90 tuổi nên khó có thể là thí sinh dự thi ĐH, CĐ nên Thông tư 24 sẽ chẳng có ý nghĩa gì trong đời sống hiện nay, chỉ là sự ban hành máy móc, thiếu tính thực tiễn.


Trước tranh cãi trên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT  cho rằng Thông tư 24 ra đời rất cần thiết để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người có danh hiệu nêu trên khi tham gia tuyển sinh ĐH, CĐ; đồng thời thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam. Thậm chí trong buổi họp báo ngày 11/7, một cán bộ lãnh đạo của Bộ còn khẳng định: Thông tư 24 ra đời là để cụ thể hóa Pháp lệnh về người có công với cách mạng, Nghị định 31 của Chính phủ về việc ưu tiên cộng điểm đối với người có công và là phù hợp với hệ thống văn bản của Nhà nước.

Tuy nhiên, chiều 16/7, Bộ GD-ĐT lại ban hành thông tư 28/2013/TT-BGDĐT bãi bỏ đối tượng ưu tiên quy định vừa mới bổ sung trong Thông tư 24. Vì thế nhóm đối tượng nêu trên sẽ không được cộng điểm ưu tiên khi thi ĐH, CĐ. Thông tư mới sẽ có hiệu lực từ ngày 30/8/2013. Lý do bãi bỏ là vì không phù hợp thực tế.

Vậy là chỉ sau 12 ngày, một văn bản đã bị vội vã hủy bỏ. Điều đó chứng tỏ khi ban hành một Thông tư, Bộ GD-ĐT chưa xem xét kỹ tất cả những nội dung, yếu tố ảnh hưởng đến người dân và xã hội.

Nếu theo dõi quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại các kỳ họp Quốc hội, ta thấy là việc ban hành một Luật, Nghị quyết nào đó đều phải được các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến, đưa ra hội trường thảo luận nhiều lần rồi mới đi đến biểu quyết. Sau khi một Luật nào đó được Quốc hội biểu quyết thông qua thì sẽ phải có cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật tới các cơ quan, đơn vị trong cả nước. Trải qua nhiều công đoạn thì Luật đó mới được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Nếu áp dụng theo quy trình như vậy thì có lẽ sẽ chẳng có nhiều ý kiến gây xôn xao và đương nhiên sẽ chẳng có chuyện ban hành Thông tư 24 được vài ngày rồi lại phải hủy bỏ.

Đáng tiếc là Bộ GD&ĐT  làm một cách hình thức, đối phó, qua loa, thiếu trách nhiệm đưa ra văn bản gây hậu quả khiến dư luận xôn xao, gây mất lòng tin ở một bộ phận nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền nhà nước.

Nhìn văn bản chứng tỏ người đưa ra nội dung này không nghiên cứu thấu đáo, không hỏi han ai. Trên thực tế Bộ máy nhà nước chúng ta có Bộ tư pháp, có Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) là cơ quan có chuyên môn có thể thẩm định các văn bản được ban hành, vì sao Bộ GD &ĐT không xin ý kiến? Cơ chế phối hợp liên đơn vị, cơ chế hỏi chuyên gia trong công tác như thế nào?

Thời gian qua, có rất nhiều văn bản được ban hành nhưng không được thực hiện, cái phải hủy bỏ, cái mặc dù vẫn đang có hiệu lực nhưng chẳng ai thực hiện cũng chẳng sao, chẳng hạn như quy định về cấm bán thịt lợn quá 8 tiếng, quy định về  đám cưới không được quá 300 khách; quy định về đám tang không được có quá 7 vòng hoa... và gần đây là quy định về công điểm ưu tiên cho Bà mẹ VN anh hùng thi ĐH…

Người ta có quyền đặt câu hỏi: Nguyên nhân nào dẫn đến việc ban hành các văn bản không có tính khả thi như vậy? Có phải bị lợi ích ngay, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm chi phối không? Hay chỉ đơn thuần là người làm văn bản hạn chế về trình độ, năng lực? Và quan trọng hơn: Ai phải chịu trách nhiệm khi ban hành hành văn bản như vậy?

Gần đây Thủ tướng chính phủ đã có những chỉ đạo việc xem xét trách nhiệm và xử lí kỉ luật của người để xảy ra một số tình trạng gây hậu quả, tác động mạnh đến dư luận xã hội. Vì vậy, thiết nghĩ  việc cần làm nhất hiện nay là nắm và quy trách nhiệm người đứng đầu. Bộ ban hành một văn bản có vấn đề phải quy trách nhiệm bộ trưởng hoặc thứ trưởng được giao quyền đó có trách nhiệm và phải có chế tài cụ thể: từ khiển trách, cảnh cáo cho đến có thể buộc thôi việc, chứ không thể để  tình trạng cứ ban hành văn bản sai  rồi lại sửa, tất cả đều hòa cả làng.

Thời gian vừa qua chúng ta cũng bàn nhiều đến sự lãng phí. Việc ban hành một văn bản sai chính là một sự lãng phí: là làm mất uy tín của cơ quan nhà nước; là sự nhờn luật có xu hướng tăng lên; và lãng phí lớn nhất chính là sự mất niềm tin của người dân vào chính quyền nhà nước.

Cũng nhân câu chuyện này, người ta lại nhớ đến câu chuyện vừa qua: câu chuyện 30% công chức không làm được việc; 30% cán bộ lãnh đạo thi nâng ngạch không đạt. Có lẽ cái gốc của vấn đề là lỗi từ đào tạo, tuyển dụng cán bộ./.
-----------------------------------------------
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét