top menu

Tốt nghiệp cao, rồi sao?

Đây là thời điểm hàng loạt tỉnh, thành đồng loạt công bố điểm thi và tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2013. Tỷ lệ này ở Hà Nội 97,12%, TPHCM 97,19%... Dù các cơ quan truyền thông nhận định khác nhau, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước năm nay "tăng không ngừng” hoặc "giảm tại nhiều địa phương”, kết quả chung cuộc Bộ GD&ĐT công bố chính thức nay mai có lẽ sẽ vẫn "cao ngất”, không khác nhiều so với 2012 – khoảng trên 97%. Điều này không ngoài dự kiến của lãnh đạo các trường, các Sở và bộ, nghĩa là chẳng đáng mừng vui hay ngược lại. 



Thanh niên xứng đáng được hưởng một sự khởi đầu tốt hơn


Xã hội quá quen với một kỳ thi vất vả và tốn kém. Thành tích có chăng chỉ là "các địa phương, đơn vị tổ chức chấm thi đúng quy định của quy chế và đã hoàn thành chấm thi theo tiến độ kế hoạch”. Nhưng những câu hỏi liên quan tới "hậu tốt nghiệp phổ thông”- nỗi lo của hàng triệu gia đình – lâu nay vẫn bỏ ngỏ. "Tốt nghiệp cao rồi sao”? Thất nghiệp giới trẻ cần được quan tâm và giải quyết khẩn cấp thế nào? Bao giờ mới quyết bỏ những kỳ thi lãng phí? Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao có ý nghĩa lắm không khi nguồn nhân lực tham gia thị trường lao động liên tục thừa lượng và đuối chất. 

Gần 3 tuần nữa thí sinh cả nước lại đua tiếp một kỳ thi nữa quyết liệt, cạnh tranh là thi ĐH, CĐ. Đến hẹn lại lên, đầu tư cho kỳ thi quyết liệt này là thi thử và thi thật quay cuồng. Bao tiền của các gia đình lại bỏ ra cùng sức lực vô biên của hàng triệu thí sinh và cán bộ ngành giáo dục. Chương trình Tiếp sức mùa thi năm nay huy động tới 35.000 lượt thanh niên, sinh viên tình nguyện, tổ chức tại 12 tỉnh, TP trọng điểm là Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Đắk Lắk, Cần Thơ. Sẽ mở tổng đài Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên cho khu vực TP.HCM qua số điện thoại 1900 6836. 

Đành rằng mục đích 2 kỳ thi không giống nhau, song đâu phải vì thế không thể bỏ một trong hai kỳ thi này. Vừa bớt tốn kém vừa giúp nhiều học sinh tránh bị cuốn vào vòng xoáy của kỳ thi "bắt buộc” sau đỗ tốt nghiệp là ĐH, CĐ. Chúng ta quá thừa tranh cãi về bỏ hay giữ nguyên kỳ thi, nhưng quá thiếu cơ hội cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp trong vòng 4-6 tháng tiếp cận những lớp đào tạo nghề mở ở các địa phương, giúp họ sẵn sàng tham gia thị trường việc làm. Những giải pháp đối phó với tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ trong bối cảnh khó khăn kinh tế và việc làm hiện nay chưa thấy đâu. Chỉ thấy học sinh các bậc học chóng mặt học để thi, còn các trường ĐH, CĐ chiêu sinh bằng mọi cách. 

"Một hệ thống dạy nghề quốc gia có thể nâng cao khả năng tìm việc của thanh niên và đảm bảo những nhu cầu hiện tại và tương lai của doanh nghiệp. Đây là mấu chốt để tăng năng suất lao động, cải thiện sức cạnh tranh và tạo việc làm. Đã đến lúc cần thắt chặt mối liên hệ giữa giáo dục - đào tạo và tăng cường xuất khẩu, đa dạng hóa nền kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm tốt hơn”, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Việt Nam Gyorgy Sziraczki nhận định. 

Đừng xem nhẹ tình trạng thất nghiệp giới trẻ tại hầu hết các địa phương đang rất nghiêm trọng. Mỗi ngày chúng ta phải chứng kiến việc những lao động trẻ - là những người tài trí có nhiệt huyết - phải đứng ngoài thị trường việc làm. Và luôn thiếu con số biết nói được công bố thường niên như một lời cảnh báo - đó là thống kê số học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, ĐH, CĐ xong… thất nghiệp. Cũng chưa thấy nỗ lực của cả bên cung và bên cầu trong thị trường lao động, cho mục tiêu đào tạo lao động chất lượng hơn và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp tuyển nhân viên. 

Nhấn mạnh điều này và kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động khẩn cấp tạo việc làm cho người lao động, là để sự học hành thi cử của cá nhân và đầu tư Nhà nước bỏ ra khỏi lãng phí vô ích. 

Bộ GD&ĐT vừa quyết định đưa "Giáo trình giáo dục kinh doanh” của ILO vào chương trình học phổ thông khi sửa đổi chương trình học từ năm 2015, đưa kiến thức phát triển doanh nghiệp đến với thanh thiếu niên. Nhưng theo ILO Việt Nam, tính đến tháng 5 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên VN cao gấp ba lần ở người trưởng thành, gần một nửa số người thất nghiệp trong năm 2012 ở độ tuổi từ 15-24. Giám đốc ILO Gyorgy Sziraczki cho rằng những thách thức về việc làm cho thanh niên nước ta không thể giải quyết được nếu không có những chuyển biến về cấu trúc để thúc đẩy phát triển, những chính sách kinh tế vĩ mô và tài khóa hỗ trợ việc làm, tăng tổng cầu, cải thiện việc tiếp cận vốn và tăng hiệu quả đầu tư.

Hãy nhìn Nhật Bản 23 năm qua áp dụng thi tuyển sinh đại học quốc gia, nhưng Chính phủ nước này nhìn ra chính kỳ thi đầy áp lực và nặng nề này đã khiến nhiều tài năng trẻ thật sự bị "chôn vùi” do không đủ điểm trúng tuyển. "Phục hưng giáo dục là ưu tiên hàng đầu, ngang với phục hưng kinh tế”, Thủ tướng Abe nhấn mạnh. Bộ Giáo dục nước này vừa lên kế hoạch trong 5 năm tới bỏ kỳ thi tuyển vào đại học. Chính phủ cho biết sẽ tổ chức các vòng thi ngay từ bậc trung học phổ thông. Các đợt kiểm tra diễn ra với tần suất 2-3 lần/năm. Học sinh chọn kết quả cao nhất trong các đợt thi để nộp nguyện vọng vào đại học. 

Trở lại câu chuyện học để thi rồi thất nghiệp ở ta. Theo các chuyên gia, số thất nghiệp trong giới trẻ hiện chỉ là phần nổi của tảng băng. Ngay cả trong những người có việc làm, cũng còn có tới 53% thanh niên (khoảng 4 triệu người) đang làm những công việc dễ bị tổn thương. Công cuộc cải cách hệ thống GD&ĐT vì vậy phải được xem là chìa khóa để tận dụng tài năng, năng lực và sự sáng tạo của thanh niên phục vụ cho quá trình phát triển mạnh mẽ.

"Thanh niên xứng đáng được hưởng một sự khởi đầu tốt hơn và được đối xử công bằng, nếu không Việt Nam sẽ mất đi một nguồn đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mình” - ông Gyorgy Sziraczki cho biết. Thay vì "tự hào thường niên” về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, những kỳ thi an toàn nghiêm túc, đã đến lúc các ngành có trách nhiệm đào tạo nhân lực phải biến những cam kết "học thực, thi thực” thành hành động "có việc làm thực” một cách nhanh chóng nhất có thể.
-----------------------------------------------  
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét