top menu

Hà Nội: Lò luyện thi tăng nhiệt

Những ngày này, không khí tại các lò luyện thi ở thủ đô căng thẳng hơn bao giờ hết.  
Vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa được bao lâu, các sĩ tử lại tiếp tục gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng đang gần kề. Bên cạnh việc tự ôn tập ở nhà, bất chấp cái nóng oi bức, nhiều sĩ tử vẫn ồ ạt kéo đến các trung tâm luyện thi, chen chúc nhau trong không gian chật chội của phòng học để thu lượm những mẩu kiến thức tổng ôn cuối cùng. Nhu cầu ôn luyện tăng đột biến khiến các trung tâm luyện thi vì thế ra sức nhồi nhét sĩ tử đến chật cứng.
Chật cứng từ trong ra ngoài
Tại một trung tâm luyện thi nằm khiêm tốn trong con ngõ nhỏ trên phố Chùa Bộc, giữa cái nóng hầm hập, oi bức của những ngày hè, mặc dù chưa đến giờ học, nhưng sĩ tử tập trung ôn thi đã đứng đông kín trước cửa trung tâm. Theo tìm hiểu, trung tâm này đã trở thành địa chỉ luyện thi quen thuộc của các thế hệ học sinh từ nhiều năm nay nhờ đội ngũ giáo viên có “tên tuổi” và giàu kinh nghiệm trong giảng dạy ôn thi tốt nghiệp THPT và Đại học.
Theo chân sĩ tử, PV đã tham gia một ca luyện thi môn Tiếng Anh của trung tâm. Phòng học rộng hơn 200m2 nhưng lại trở nên chật chội bởi các dãy bàn ghế được kê sát bục giảng và kín các góc tường. Mỗi bàn học dài 1,2 mét, chỉ đủ cho 3 học sinh ngồi vừa vặn. Càng về phía cuối phòng học, có bàn thậm chí còn 4 - 5 học sinh ngồi chen chúc nhau.

Mặc dù hệ thống điều hòa cùng gần 20 chiếc quạt trần hoạt động hết công suất, nhưng cũng không làm dịu đi cái nóng nực, oi bức bởi sự có mặt của hàng trăm sĩ tử đang loay hoay giữa những lối đi chật hẹp để tìm cho mình một chỗ ngồi.

Hàng trăm sĩ tử chen chúc trong lớp học rộng 200m2
Lớp học luôn trong tình trạng quá tải nên có không ít sĩ tử phải ngồi sát dọc 2 mép tường, nơi không có bàn, phải kê sách vở lên đùi để viết. Thậm chí, khi lớp học đã kín chỗ, rất nhiều sĩ tử phải kê ghế ra bên ngoài cửa để nghe giảng. Quỳnh Mai (học sinh một trường THPT ở Hà Nội) cho biết: “Hôm nay em đến muộn nên không còn chỗ ở trong lớp. Ngồi ngoài tuy không nhìn được bảng nhưng chỉ cần chú ý thì vẫn nghe được”.
Tại một lò luyện thi ở phía sau tòa nhà HITC (Gần Đại học Sư Phạm, Cầu Giấy), tháng 6 là tháng tổng ôn cấp tốc các môn, nên lớp học lúc nào cũng trong tình trạng đông đúc. Nếu như trước đây mỗi môn học 2 buổi/ tuần thì bây giờ trung tâm đã tăng lên 3 buổi/ tuần. Tháng 6, nhu cầu của sĩ tử quá cao, mà diện tích lớp học có hạn nên trung tâm đã ngưng việc bán thẻ học theo ngày. Thẻ tháng phải mua từ trong tháng 5 và cũng không bán nữa vì quá đông. Nhiều sĩ tử muốn học, nhưng không có thẻ cũng đành ngậm ngùi ra về.
Bên trong lớp học, hàng trăm sĩ tử ngồi chen chúc nhau không còn một chỗ trống. Nhiều em phải ngồi không bàn giữa các lối đi, ngồi bệt la liệt trên bục giảng.
Bên ngoài, dọc hành lang của lớp học, có tới 10 dãy bàn được kê, mỗi bàn lại có tới 3 - 4 em ngồi chen chúc vừa ghi chép, vừa nghe thầy cô giảng qua… ô cửa sổ nhỏ xíu. Không ít học sinh chán nản, ngồi làm việc riêng, gục đầu xuống bàn để ngủ.
Trong vai một sĩ tử học ôn, PV tham gia một buổi học Văn của cô H tại trung tâm luyện thi này. Buổi học bắt đầu từ 7h30’ sáng với hàng trăm sỹ tử. Bên trên bục giảng, giáo viên giảng bài, sau đó cả lớp đồng thanh đọc lại những gì cô giảng, nhiều lần cho đến khi thuộc. Cứ thế đến 11h30’.
Tan học, trong khi các học sinh ca sáng lũ lượt ra về thì ở đầu cầu thang, học sinh ca chiều đã đứng xếp hàng từ cầu thang tầng 1 lên tầng 3, mặc dù giờ học ca chiều bắt đầu từ 13h30’.
Hầu hết ở các trung tâm luyện thi này, với mỗi ca học 2 tiếng, sỹ tử phải mua vé học với giá từ 25.000- 30.000 đồng. Số tiền này không phải là quá lớn nhưng một lớp với hàng trăm người “nhồi nhét” như vậy thì liệu có hiệu quả?
Không vào “lò” thì không yên tâm
Lớp học đông, chật chội là tình trạng chung của các “lò luyện thi”, nhưng học sinh biết mười mươi điều đó vẫn ồ ạt kéo đến. Thậm chí, các sỹ tử chen nhau đến “lò luyện 39 độ” chỉ để “ngủ”.
Linh - một học sinh lớp 12 bộc bạch: “Không đi học thì không yên tâm nên em vẫn đăng ký học dù biết lớp rất đông”.
Không ít sĩ tử đến các lò luyện theo phong trào và hình thức do “bệnh” lười hệ thống. Kiến thức các thầy cô giáo ôn tập nằm hết trong chương trình sách giáo khoa nhưng nhiều sĩ tử vẫn cứ đua nhau vào các lò luyện. Hầu hết sĩ tử đều đặt niềm tin nơi “lò luyện thi” bởi các thầy cô có kinh nghiệm trong việc luyện thi Đại học.

Học sinh phải ngồi ngoài cửa vì không còn chỗ trống bên trong lớp học
Từ Ba Vì lên Cầu Giấy ở trọ nhiều tháng nay, Huyền Trang (học sinh tốt nghiệp THPT 2012) tâm sự: “Ở nhà học thì không yên tâm, nên ra Tết, em lên đây, vào các lò luyện để học ôn. Tuy nhiên, đến giờ em vẫn cảm thấy hoang mang với lượng kiến thức mình có. Tháng cuối, sốt ruột nên em đổi lò liên tục, nhưng lò nào cũng đông, học không thấy hiệu quả”. Đến tận bây giờ, Trang vẫn loay hoay tìm lò và hỏi han bạn bè để có thể học ở một lò chất lượng.
Theo nhiều học sinh, dù trung tâm luyện thi rất đông, nhưng việc tiếp thu kiến thức được hay không lại tùy ở ý thức của mỗi người. Việc tiếp thu kiến thức sẽ không quá bị ảnh hưởng bởi sự đông đúc, chật chội nếu mình tập trung.
Trái với quan điểm của nhiều sĩ tử, Tuấn Anh (lớp 12, THPT Trần Phú) cho biết: “Tháng cuối cùng, sau khi thi tốt nghiệp xong, mình chỉ tự ôn luyện ở nhà và tự làm đề. Vừa yên tĩnh, vừa mát mẻ nên có thể tập trung cao độ”.
Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến ngày sĩ tử “vượt vũ môn”, việc gấp rút ôn luyện là điều cần thiết. Tuy nhiên, vào thời điểm quan trọng này, mỗi sĩ tử phải tự tìm cho mình cách học tập hiệu quả nhất chứ không phải đổ xô đến các lò luyện để giải tỏa tâm lý “không vào lò thì không yên tâm”./.
-----------------------------------------------  
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét