top menu

Học KH&CN ở bậc giáo dục phổ thông

Do quan niệm rằng trẻ em “còn non nớt”, “tư duy chưa phát triển”, nên các nhà làm sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho trẻ em tiểu học thường không biết bắt đầu từ đâu khi muốn đưa nội dung khoa học, kỹ thuật vào nội dung học.
Cách làm bộc lộ tư duy
Một trong những tiêu chí phân biệt hai nền giáo dục phổ thông là ở hướng tổ chức cho trẻ em chiếm lĩnh tri thức. Có một hướng là chiếm lĩnh từ những tri thức lẻ tẻ rồi đến một lúc nào đó sẽ tổng quát hóa chúng thành nguyên lý. Hướng “học tập” và “nghiên cứu khoa học” này đã có từ thời xuất hiện homo sapiens – những tổ tiên của con người này cũng biết quan sát (bắt đầu với cái gì ăn được và cái gì ăn không được), rồi mô tả, rồi thống kê, rồi phân tích … Những chuyện như thế này ít ra đã được Gaston Bachelard phân tích khi phân biệt tư duy tiền khoa học với tư duy khoa học.

Do quan niệm rằng trẻ em “còn non nớt”, “tư duy chưa phát triển”, nên các nhà làm sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho trẻ em tiểu học thường không biết bắt đầu từ đâu khi muốn đưa nội dung khoa học, kỹ thuật vào nội dung học. Thời Pháp thuộc, chương trình tiểu học từ chính quốc mang sang có môn Lecon de choses được các nhà Nho chuyển tên thành môn Cách Trí (cách nói tắt của “cách vật trí tri”). Môn học này, tiếc thay, gần một thế kỷ sau cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng chỉ đến được khái niệm Khoa học thường thức. Còn nội dung “thường thức” của các thứ “khoa học” thì đều tùy… tiện theo cảm hứng của người biên soạn sách.
Nhưng như thế cũng còn là may!

Gần đây, chương trình cải cách giáo dục năm 2000 gọi tắt là CT-2000 được hoàn thành việc triển khai ra cả nước vào năm 2004 và được Luật Giáo dục do Quốc hội ban hành ngày 14 tháng 7 năm 2005 hỗ trợ quy định trên toàn quốc chỉ có một bộ chương trình và một bộ sách giáo khoa. Chương trình và sách đó lại được trụ đỡ một lần nữa bằng một CHƯƠNG TRÌNH KHUNG ban hành kèm theo văn bản 5842-BGDĐT-VP ngày 01 tháng 9 năm 2011. Ra đời năm 2011 nghĩa là chậm hơn 10 năm so với việc ban hành CT-2000, bộ “chương trình khung” này cho ta biết rằng trẻ em ở bậc tiểu học không còn phải học “Khoa học thường thức” nữa, mà được học ít nhất trong những môn học sau: Tự nhiên và xã hội, Khoa học, Thủ công và Kỹ thuật.

Tư duy Khoa học – Công nghệ của nhóm Cánh Buồm

Nhóm Cánh Buồm xác định trẻ em học môn Khoa học – Công nghệ để tự tạo cho mình một cách làm việc thực nghiệm qua đó mà có một tư duy thực chứng.

Thế nào là cách làm việc thực nghiệm? Đó là tự tay mình tiến hành những việc làm thật, dùng những kết quả có thật để đi đến những kết luận chung và cả những kết luận cho riêng mình nữa. Cách làm thực nghiệm đó lâu dần sẽ tạo ra trong tâm lý người học một cách suy nghĩ chỉ tin vào cái gì con người có thể làm ra (trong phòng thí nghiệm hoặc trong cuộc sống thực) – nói cách khác, những con người không nô lệ vào các giáo điều được đúc kết sẵn.

Ở lớp Một, sách Khoa học – Công nghệ của nhóm Cánh Buồm tập trung vào tổ chức cho trẻ em học phương pháp thực nghiệm. Song, công việc thực nghiệm không diễn ra trong chân không, mà phải thực hiện với vật chất làm vật liệu. Vật liệu thì có nhiều, trong giáo dục phải chọn vật liệu làm mẫu, phải tìm thứ vật liệu nào tồn tại quen thuộc để khám phá. Với học sinh lớp Một, chúng tôi chọn Nước là vật liệu chủ chốt cho trẻ em khám phá bằng thực nghiệm.

Tiết học đầu tiên dưới trời nắng, cô giáo và học trò giội một chậu nước ra sân trường (chỗ sân bê tông) và lấy phấn khoanh viền bờ nước. Một câu hỏi Tại sao được đặt ra: đố biết tại sao cô lại lấy phấn ghi viền bờ nước lại? Thôi để đấy, cô và trò vào lớp tiếp tục bài mở đầu: trong cuộc sống con người có những câu hỏi Tại sao như thế nào? Các nhóm thi nhau xem nhóm nào tìm ra nhiều thứ Tại sao hơn cả. Gần hết tiết học, cô giáo giả vờ như chợt nhớ ra chuyện gì đó: chết quên, chúng mình ra sân xem nước lúc nãy giội ra sân bây giờ thế nào? A ha ha… Bây giờ đám nước “co lại” nằm sâu bên trong viền phấn. Tại sao thế nhỉ? Và đây là câu hỏi Tại sao cụ thể của lớp Một trường Nguyễn Văn Huyên một chiều tháng 10 năm 2010. Có một chi tiết cần nói lại cho rõ: “cô giáo”này chính là một thầy giáo, bạn Nguyễn Thành Nam.

Các em cùng nêu ra cách giải thích (đó chính là giai đoạn tìm giả thiết cho công việc nghiên cứu), một câu hỏi hy vọng là sẽ đeo đuổi các em cho tới tiết học sau. Tiết sau sẽ giải đáp bằng thực nghiệm giả thiết nước bốc hơi. Cái gì làm nước bốc hơi? Các em sẽ thí nghiệm đun nước ngay tại lớp để chứng minh rằng nhiệt độ cao sẽ làm nước bốc hơi.

Trong quá trình thí nghiệm, học sinh phải được học cách dùng công cụ nghiên cứu (thước đo, cân, nhiệt kế) và phải có những bài tập để các em hoạt động quanh năm không biết chán (theo dõi chiều cao, cân nặng từng bạn là thú vị nhất hạng!).

Xin nói thêm vài lời về tên sách: Khoa học – Công nghệ. Điều khó khăn của người làm sách giáo khoa là không được phép lẫn lộn khái niệm. Khoa học là khái niệm thể hiện trình độ trí khôn người trong việc trả lời các câu hỏi Tại sao và Như thế nào. Kỹ thuật là khái niệm chỉ trình độ tài khéo của con người trong một thời kỳ phát triển nhất định trong lịch sử. Từ khi công nghiệp phát triển và thành xu thế trong nền sản xuất của thời đại chúng ta, thì khoa học và kỹ thuật còn phải đem lại lợi ích cho cuộc đời thông qua công nghệ nữa, đó là khoa học về chuỗi kỹ thuật để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Theo tinh thần thời đại, trong sách Khoa học – Công nghệ có chuỗi việc làm thể hiện trong mỗi lớp và chuỗi chủ đề được thể hiện trong toàn bộ bậc học. Chuỗi chủ đề khoa học – công nghệ trong hệ thống Cánh Buồm là:

Lớp Một Phương pháp thực nghiệm – Cách khám phá vật chất
Lớp Hai Thiên nhiên – Bảo vệ môi trường bền vững
Lớp Ba Sống với giới thực vật
Lớp Bốn Sống với giới động vật
Lớp Năm Con người – Cơ thể, trí tuệ, tâm linh

Song, thật đáng tiếc (cho nhóm Cánh Buồm) chúng tôi chỉ mới soạn xong tập 1 của trọn bộ 5 tập kể trên. Lý do đáng kể nhất là: không có người và không có tiền. Và một lý do thứ hai: chúng tôi cần tập trung vào thế mạnh của mình là các môn Văn (giáo dục nghệ thuật), Tiếng Việt (giáo dục Ngôn ngữ học), Lối sống (giáo dục đạo đức đồng thuận), tiếng Anh (giáo dục năng lực thâm nhập nền văn hóa xa lạ). Bà Nguyễn Thị Bình rất thương quý chúng tôi, hối thúc Cánh Buồm soạn sách Toán, nhưng chúng tôi đã xin phép không nhận đầu việc này.

Thực ra Cánh Buồm rất tiếc không làm tiếp các cuốn sách Khó học – Công nghệ cho trọn bộ ở bậc tiểu học. Bởi vì chỉ riêng thành tố tâm linh trong sách lớp 5 cũng xứng đáng để bỏ rất nhiều tâm tư công sức vào, những mong con em sẽ không hiểu tâm linh như cách hiểu của quá nhiều người lớn hiện nay! Nhưng đó lại sang thêm một đề tài khác nữa rồi.
-----------------------------------------------  
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét