top menu

Báo “lá cải” - Một thực tế không thể phủ nhận

Ngày nay, sự bùng nổ các phương tiện thông tin truyền thông đã giúp cho độc giả dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin phong phú và đa dạng, nhanh chóng và kịp thời, diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, sự xuất hiện những tin tức giật gân, câu khách kiểu "lá cải" của một số tờ báo trong nước đã tạo định hướng dư luận không tốt cho xã hội. Xung quanh vấn đề này, GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Hường - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Báo chí (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội).
Thời gian gần đây, một số tờ báo do chạy theo thị hiếu tầm thường của độc giả đã “lá cải hóa” tin tức khiến nội dung thiếu lành mạnh, sai sự thật. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?
PGS. TS Đinh Hường
- Ở nước ta không có khái niệm báo chí “lá cải” nhưng trên thực tế vẫn xuất hiện những tin tức giật gân, câu khách. Tuy nhiên, cũng có những tờ báo chính thống, nghiêm túc đâu đó vẫn có tí chút tin tức “lá cải” để hấp dẫn thị hiếu bạn đọc nhưng ở mức độ nhất định. Ngược lại, có những tờ báo tuy gọi là báo “lá cải” nhưng cũng có những tin hấp dẫn, tin hay, đáp ứng nhu cầu thông tin cho con người. Thế nhưng, ở nước ta vẫn có tính chất phê phán báo “lá cải” chứ chưa nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan.
Điều này cho thấy, xác định ranh giới giữa báo lá cải và không lá cải nhiều khi rất khó, bắt buộc phải nhìn vào nội dung thực tế, cụ thể mà thông tin đó đem lại cho độc giả như thế nào. Nhất là trong xã hội hiện đại ngày nay, cùng với việc bùng nổ các phương tiện thông tin truyền thông thì sự xuất hiện của báo “lá cải” là một thực tế không thể phủ nhận hay triệt tiêu vì nó có tính chất thông tin, đáp ứng nhu cầu thông tin chính đáng của con người. Vấn đề ở chỗ mức độ, liều lượng thông tin “lá cải” được phép đưa như thế nào cho phù hợp.
Vậy theo ông, mặt trái của tin tức “lá cải” sẽ tác động đến dư luận như thế nào, đặc biệt là với thế hệ trẻ?
- Trong thời gian gần đây, bên cạnh hoạt động thông tin lành mạnh của phần lớn các cơ quan báo chí đã xuất hiện một số ấn phẩm báo chí “lá cải”, ảnh hưởng tới hoạt động thông tin truyền thông. Đặc biệt, những tin tức giật gân câu khách này đã gây hiểu lầm cho độc giả, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Phần lớn các ấn phẩm này có nội dung không lành mạnh, đa số bài viết đều phản ánh mặt trái của xã hội, chạy theo thị hiếu tầm thường, sai với tôn chỉ mục đích báo chí cách mạng nước ta.
Có thể thấy, một số sản phẩm báo chí, nhất là báo mạng thời gian gần đây đưa tin đầy gam màu tối, mô tả toàn chuyện tội ác, bạo lực, hở hang, mê tín dị đoan, thần bí, trái thuần phong mỹ tục... nhằm thu hút thị hiếu tầm thường, sự tò mò của một bộ phận bạn đọc. Những thông tin “lá cải” này có phần thiếu tính giáo dục con người. Nếu thông tin sai sự thật còn gây ra những hậu quả khôn lường.
Người làm báo cần giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức trong quá trình tác nghiệp  Ảnh: T.Thanh
Để quản lý tốt những thông tin “lá cải” cần có những giải pháp gì, thưa ông?
- Sự xuất hiện báo “lá cải” là nhu cầu thực sự khách quan, đặc biệt trong xã hội thông tin toàn cầu hiện nay. Theo tôi, để quản lý tốt báo “lá cải” cần có hệ thống đồng bộ từ con người đến chính sách. Gốc là người làm trực tiếp, sau là hệ thống  đồng bộ từ quản lý đến chế tài quản lý, có khen, có thưởng.
Trước tiên, chính đội ngũ phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên là người trực tiếp tiếp cận với cuộc sống, cũng là những độc giả, người kiểm soát thông tin đầu tiên. Do đó, đòi hỏi lực lượng này phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, làm nghề chuyên nghiệp, có ý thức và biết nhạy cảm chính trị, có đạo đức nghề nghiệp, có hiểu biết, được đào tạo cơ bản, có tay nghề. Ngày nay, nhiều khi thấy tin nóng, một bộ phận người làm báo a dua đưa tin theo mà không lường hết tác hại của tin “lá cải”.
Vậy, công tác đào tạo sinh viên báo chí hiện nay cần chú trọng nội dung gì để chống “lá cải hóa” trong hoạt động nghề nghiệp của những nhà báo tương lai?
Trong quá trình đào tạo sinh viên báo chí, chúng tôi luôn nhắc nhở các em nguyên tắc, chức năng, nhiệm vụ và đạo đức nghề báo... Mặc dù, trong học tập các em thấm nhuần “lời dạy” nhưng thực tế khi ra trường đi làm, các em hướng theo thực tế, nên vẫn có độ chênh. Tuy nhiên, những em được đào tạo bài bản, có hiểu biết cơ bản sẽ ý thức được mức độ, tác động của thông tin mình đưa ra, để lường trước được việc mình cần làm. Ngược lại, những sinh viên đào tạo không bài bản, bản lĩnh chính trị kém, không có nhạy cảm nghề nghiệp dễ bị cuốn theo những tin tức “lá cải".
-----------------------------------------------  
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét