top menu

Thiên thai- Nỗi lòng Văn Cao với thời gian

Những ca khúc của cố nhạc sĩ tài hoa Văn Cao làm say mê bao thế hệ người Việt, kể cả những người sinh ra sau chiến tranh. Thiên thai là một tuyệt phẩm như thế…

Với người nghệ sĩ, thời gian luôn là điều hệ trọng, là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Sinh thời Xuân Diệu từng thốt lên đầy thúc giục: “Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai – Đời trôi chảy lòng ta không vĩnh viễn”. Thi nhân Hàn Mặc Tử thì thở than với tâm trạng trĩu nặng bất an: “Van lạy không gian xóa những ngày”.

Với cố nhạc sĩ tài hoa Văn Cao, ta có thể cảm nhận rất rõ suy tư ấy ở ca từ ngay trong sáng tác đầu đời của ông:

“Thiên Thai chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn phai một lần”
 

Trong cái không gian đầu đông se lạnh, giữa đêm sâu tĩnh mịch với những suy tưởng mơ hồ có lẽ là khoảng thời gian thích hợp nhất để tâm hồn trôi nổi theo âm nhạc và ca từ của Thiên Thai.

Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên
Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên
theo gió tiếng đàn xao xuyến
Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền
Mấy cung trìu mến như nước reo mạn thuyền

Câu hát mở đầu cất lên như dìu người nghe vào thế giới bồng lai, tiên cảnh đẹp đến mơ màng. Huyền thoại cổ về 2 chàng Lưu- Nguyễn được kể bằng giai điệu đẹp, dồn đuổi cuộn lên như một dòng sông âm thanh. Hoài tưởng của người nhạc sĩ đưa ta phiêu đi cùng những mộng mơ mà quên những nỗi buồn ở cõi tạm.

Âm ba thoáng rung cánh đào rơi
Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời
Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan
Quê hương dần xa lấp núi ngàn
Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền
Ai hát trên bờ Đào Nguyên
 

Chuyện xưa kể rằng hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu (đời nhà Hán-Trung Quốc) trên đường đi tìm thuốc quý lạc đến núi Thiên Thai đẹp mê hồn. Quê hương thì đã khuất bóng, hai chàng gặp 2 người thiếu nữ xinh đẹp tuyệt thế và rồi quấn quýt lên duyên.

Cuộc sống mới vô cùng hạnh phúc nhưng nỗi nhớ nhà vẫn thôi thúc khôn nguôi ám ảnh hai chàng Lưu- Nguyễn khiến một ngày họ quyết xin về thăm lại trần thế. Lúc chia tay, hai người con gái đẹp khóc ròng bởi họ biết sẽ là cuộc chia ly mãi mãi, dù các chàng thề non hẹn biển trở lại.

Lưu-Nguyễn về đến quê hương thì cảnh vật xưa gần như thay đổi hoàn toàn, hai chàng không biết nửa năm nơi cõi tiên bằng mấy thế hệ nơi trần gian. Họ giờ không không còn người quen biết. Hai chàng tìm trở lại núi Thiên Thai nhưng cửa đã đóng và sau đó không ai còn thấy họ quay trở lại.

Giọng ca Tùng Dương ngân nga, ma mị như mở ra cái không gian nửa thực, nửa hư mà lại đầy khắc khoải. Lỗi tại Lưu- Nguyễn mải vui hay tại thời gian? Tâm trạng người nghe trùng xuống trước những ca từ lẩn khuất triết lý về cuộc sống. Thời gian là thứ không chờ đợi một ai. Mỗi khoảnh khắc không tỉnh táo, sai lầm đều phải trả giá, bởi thời gian đã qua là thời gian đã mất…

Thiên Thai chốn đây Hoa Xuân chưa gặp Bướm trần gian
Có một mùa đào dòng ngày tháng chưa tàn qua một lần
Thiên Tiên chúng em xin dâng hai chàng trái đào thơm
Khúc nghê thường này đều cùng múa vui bầy tiên theo đàn
 

Sau một khoảng lặng với tâm sự “Quê hương dần xa lấp núi ngàn”, thính giác người nghe lại được dẫn dắt vào cõi mơ bồng bềnh hạnh phúc.

Đèn soi trăng êm nhạc lắng tiếng quyên
Đây đó nỗi lòng mong nhớ
Này khúc bồng lai
Là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi
Đàn xui ai quên đời dương thế
Đàn non tiên đàn khao khát khúc tình duyên

Có những quan điểm cho rằng với “Thiên thai”, Văn Cao muốn thoát ly khỏi cuộc sống nhiều buồn đau ở thực tại. Rằng thái độ ấy là của người muốn quay lưng với cuộc sống, từ chối hiện tại để chạm tới sự vô vi không tưởng. Nhưng thực tế điều người nhạc sĩ tài hoa gửi gắm chắc hẳn không phải vậy, bởi ngay ở cõi tiên mà ông vẽ lên vẫn luôn thường trực sự khắc khoải khôn nguôi rất đời.

Thiên Thai! Ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian
Ái ân thiên tiên em ngờ phút mê cuồng có một lần

Hai câu hát dường như là sự gặp nhau ở suy tư về cái thời gian sống của những người nghệ sĩ. Xuân Diệu cũng đã từng thốt lên gần như thế “Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Cuộc sống luôn là sự trả giá, ngày hôm nay là sự trả giá cho những gì ta đã làm ngày hôm qua. Với người nghệ sĩ, cuộc sống không thể thiếu những phút giây thăng hoa và họ sẵn sàng đánh đổi vì điều đó…

Gió hắt trầm tiếng ca tiếng phách ròn lắng xa
Nhắc chi ngày xưa đó đến se buồn lòng ta
Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn
Cùng bầy tiên đàn ca bao năm  
 

Âm nhạc chuyển động theo từng chữ kích thích trí tưởng tượng của người nghe ghê gớm. Nỗi buồn thì sâu lắng, lãng mạn chất chứa nhớ nhung và tiếc nuối khiến ta như cùng lúc thưởng thức ba hình thức nghệ thuật nhạc- họa và thơ. Cái thiên tài của Văn Cao là ở đó.

Những khi chiều tà trăng lên
Tiếng ca còn rền trên cõi tiên

Bài hát khép lại bằng ca từ đầy ám ảnh, nặng trĩu nỗi lòng. Câu kết như một lời thở than nuối tiếc về thời gian cứ văng vẳng. Văn Cao ru lòng người đến ngay cả khi giai điệu đã dứt mà trong đầu không thể thoát khỏi những suy tư và mộng mơ về cuộc sống.
-----------------------------------------------
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét