top menu

Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Còn nhiều băn khoăn!

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, vừa tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. Hội nghị đã có sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu.

Còn những mâu thuẫn
Tại Hội nghị, bà Trần Thị Tâm Đan- nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, tính chỉnh thể, định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học đã được quán triệt. Song Đề án thiếu các phương án cụ thể như phương án phân ban ở trung học phổ thông cần được đổi mới cơ bản, định hướng cụ thể hơn trong thực hiện kế thừa và phát triển chương trình và biên soạn sách giáo khoa mới, xác định rõ phương án một hay nhiều sách giáo khoa.
Đây cũng là ý kiến của GS. TS Nguyễn Minh Thuyết- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, bởi Đề án nêu lên hàng loạt công việc phải làm nhưng đều do một chủ thể thực hiện, không thấy sự tham gia của xã hội ngoài việc trưng cầu ý kiến các chuyên gia, các cơ sở giáo dục đào tạo. Theo Đề án, không rõ trong tương lai sẽ có một hay nhiều bộ sách giáo khoa? Nếu có nhiều bộ sách giáo khoa như yêu cầu của xã hội thì ngoài sách do Bộ Giáo dục Đào tạo trực tiếp tổ chức biên soạn, những bộ sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân biên soạn sẽ được trình cho ai duyệt, thẩm định và dạy thử nghiệm vào lúc nào.
Một trong những nội dung còn gây nhiều băn khoăn trong các chuyên gia, đó là việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Dự thảo Đề án đề cập chỉ những trường đã có đủ điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục mới triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; các trường chưa đủ điều kiện phải chuẩn bị các điều kiện để được triển khai, áp dụng. Khẳng định đây là điều khó chấp nhận, ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước ta có một cuộc đổi mới giáo dục được tuyên bố rõ chỉ là áp dụng cho những nơi đã có đủ điều kiện, định hướng như vậy sẽ có một số cơ sở nằm ngoài công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8. Định hướng này cũng mâu thuẫn với quan điểm quản lý việc xây dựng và thực hiện chương trình đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với địa phương và đối tượng học sinh, nội dung giáo dục phải phù hợp với thời lượng dạy và học.
Bà Trần Thị Tâm Đan nhấn mạnh: Giáo viên và cơ sở vật chất là hai yếu tố cấu thành chất lượng. Để thực hiện được Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, cần thực hiện hai Đề án đổi mới công tác đào tạo giáo viên, chương trình đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên và Đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất nhà trường phục vụ triển khai sách giáo khoa mới. Đổi mới công tác đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm và chương trình đào tại lại, bồi dưỡng giáo viên phục vụ ngay cho việc triển khai chương trình và sách giáo khoa mới nên giao cho các trường sư phạm thực hiện theo vùng kinh tế xã - hội.
Theo ông Nguyễn Minh Thuyết: Việc Chương trình tổng thể giáo dục phổ thông xác định 8 lĩnh vực giáo dục là không hợp lý, chỉ nên gom thành 5 lĩnh vực gồm Đức – Trí – Công – Thể - Mỹ; số lượng các môn học có vẻ ít hơn trước nhưng trên thực tế không thay đổi vì một số môn được ghép vào nhau thành một môn, trong đó có những sự lắp ghép không hợp lý.
10 là quá dài
Nhìn nhận 10 năm để làm một sự thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục là quá dài và khó có thể chấp nhận, Phó Giáo sư Tiến sỹ Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh đề nghị đẩy nhanh tiến độ của công cuộc đổi mới nhưng phải tiến hành một cách thận trọng. Nhà giáo này đề xuất bỏ bớt những khâu rườm rà cứng nhắc, không mang lại hiệu quả thiết thực mà chỉ kéo dài thời gian chờ đợi, không nhất thiết phải tuần tự, không phải chờ đợi sau khi ra được các văn bản mới bắt tay vào biên soạn. Không nên thay sách giáo khoa mới theo kiểu cuốn chiếu, bởi bằng cách đó phải đúng 5 năm chiếu mới cuốn xong, nảy ra rất nhiều vấn đề cần điều chỉnh, thêm bớt, nên thay sách đồng loạt ngay lập tức từ lớp 1 đến lớp 12.
Phó Giáo sư Văn Như Cương đưa ra một đề xuất táo bạo cho việc biên soạn sách giáo khoa, đó là tổ chức “trại viết sách giáo khoa”, các nhóm tác giả cùng một cuốn sách có thể trao đổi với nhau và với nhóm tác giá các cuốn khác cùng môn ở lớp dưới, lớp trên hoặc với tác giả các môn lân cận. Như vậy, sau khi chương trình các bộ môn từ lớp 1 đến lớp 12 (thử nghiệm) đã được thẩm định lần 1, chỉ cần nhiều nhất là 6 tháng để biên soạn sách giáo khoa.
-----------------------------------------------
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét