top menu

"Bộ sẽ điều chỉnh nếu thấy bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp"

Sau khi Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) công bố phương án đổi mới thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2014, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), Thành viên ban soạn thảo chương trình, sách giáo khoa sau 2015 về những việc cần làm để hướng tới mục tiêu triển khai kỳ thi Quốc gia chung.  
2 điểm thi tốt nghiệp vẫn đỗ
PV: Với lịch thi mà Bộ GD-ĐT đưa ra, có thể sẽ có học sinh hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp chỉ trong 1 ngày. Theo ông, điều này có gây áp lực quá nặng nề lên học sinh và phụ huynh?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Giáo dục như một đoàn tàu khổng lồ, đổi mới dạy học, thi cử để tiệm cận với thế giới chúng ta phải thực hiện dần dần, từng bước, từ nhỏ đến lớn… Nếu đoàn tàu giáo dục đang đi mà đổi hướng nhanh, phanh gấp sẽ đổ ngay…
Việc tổ chức hai ngày thi tôi thấy là phù hợp, để giảm áp lực cho học sinh, người nhà học sinh, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu ra, cách ra đề phải có tính chất tổng hợp. Một buổi học sinh học tới 5 môn, vì sao lại không kiểm tra được 2 môn trong một buổi? Thời gian chỉ 60 phút thôi.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ cải tiến thời gian thi. Nếu như trước đây chúng ta ra đề thi bắt học sinh làm tới 120 phút, thì nay đổi mới học sinh chỉ làm có 60 phút thôi. Môn thi cũng giảm, rồi đến tổ chức lại cách thi, cách chấm thi… Môn Ngữ văn tôi chỉ cần một câu hỏi thôi là kiểm tra được kiến thức của anh rồi, cần gì nhiều? Văn hay chỉ viết một đoạn là tôi biết rồi, cần gì viết dài…
PV: Ông suy nghĩ gì về quy định thi tốt nghiệp mà Bộ đưa ra, nếu điểm tổng kết trung bình năm lớp 12 là 8 điểm, trong khi điểm thi tốt nghiệp chỉ 2, cộng lại chia đôi được 5 điểm, vẫn đỗ tốt nghiệp?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Về lý thuyết trường hợp học sinh thi tốt nghiệp được 2 điểm, trong khi điểm tổng kết được 8, cộng lại chia đôi được đỗ tốt nghiệp THPT là có.
Quy định như vậy là có thể tránh cho các em “học tài thi phận”, quá trình học tập và rèn luyện có điểm tổng kết được 8, nhưng không may em làm bài không tốt. Chúng ta phải kết hợp cả quá trình học tập và rèn luyện, để thấy rằng có được 8 điểm tổng kết lớp 12 là cực khó, vì lớp 12 có tới 13 môn học.
Bên cạnh đó, nếu em được 8 điểm tổng kết các môn lớp 12 theo tôi là đạt loại giỏi rồi, thi tốt nghiệp ít khi được 2 điểm lắm. Trong thực tế vẫn có thể có, giả sử có trường hợp như vậy thì cũng lên cho em học sinh đó tốt nghiệp, vì quá trình em học sinh đó học rất giỏi.
PGS.TS khẳng định Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh để nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp.
PV: Nếu xảy ra trường hợp chạy điểm thì sao, thưa ông?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Điều nay cũng có thế xảy ra, nhưng không nhất thiết vì chạy điểm tổng kết mà ta lại bỏ một chủ trương đúng. Chúng ta phải nâng cao ý thức trách nhiệm của giáo viên, ý thức giám sát, kiểm tra để khống chế việc thầy cô giáo nâng điểm tổng kết của học sinh.
Ngoài ra, nếu em học sinh đó mà chạy được điểm tổng kết cao, tôi nghĩ sẽ có đơn kiện ngay lập tức, chứ không phải đơn giản như vậy. Nếu em học sinh học lớp 10 – 11 dốt rồi, mà lên lớp 12 có điểm tổng kết vọt lên đến 8 điểm cao như vậy sẽ bị kiện ngay lập tức.
Trường hợp hai môn thi bắt buộc, học sinh chỉ đạt 1 - 2 điểm trong khi đó 2 môn tự chọn của em học sinh đạt 8 - 9 điểm thì vẫn đỗ tốt nghiệp. Bởi vì tất cả các điểm thi tốt nghiệp cộng lại với điểm tổng kết cả năm học lớp 12, rồi chia trung bình để xét và loại tốt nghiệp.
PV: Nếu có kẽ hở như vậy, Bộ có điều chỉnh gì không? Liệu điểm liệt thi tốt nghiệp năm nay sẽ như thế nào?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Hiện nay, Bộ chưa có điều chỉnh quy chế; tuy nhiên có thể những năm tiếp theo, qua thực tiễn đợt thi tốt nghiệp 2014 tới đây, nếu thực tế báo chí nêu có nhiều trường hợp 2 điểm cũng đỗ tốt nghiệp mà mang tính phổ biến thì Bộ sẽ điều chỉnh.
Về điểm liệt thi tốt nghiệp THPT, năm nay chưa thấy đưa ra, như mọi năm điểm liệt bằng 0, nhưng sắp tới Bộ sẽ có điều chỉnh quy chế, chẳng hạn Bộ sẽ nâng điểm liệt lên để tránh những trường hợp hy hữu 2 điểm cũng đỗ tốt nghiệp THPT.
Đây là một chủ trương đúng, không vì một vài trường hợp cá biệt như báo chí nêu mà bỏ hẳn chủ trương thi tốt nghiệp. Trong thực tế Bộ thấy không hợp lý sẽ chấn chỉnh ngay.
Hướng tới một kỳ thi quốc gia chung
PV: Bộ GD-ĐT vừa công bố sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia chung, trong đó sẽ chuyển 4 môn thi thành 4 bài thi. Xin ông nói rõ hơn về cách thi mới này?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Cách thức chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi sẽ được áp dụng tương tự như các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã áp dụng như thi tiếng Anh (TOEFL, IELTS…); kỳ thi (SAT) ở Mỹ- một trong những kỳ thi chuẩn hóa (mỗi đợt thi đều có dạng thức đề thi giống nhau) cho việc đăng ký vào một số ĐH tại Mỹ với những kỹ năng kiểm tra độ thông minh và kỹ năng đọc, hiểu, viết. Đề thi dạng này có nghĩa là tất cả các môn học ở cấp học THPT sẽ được đưa vào một bài thi chung với các phần thi là các môn học.
Một số năm đầu tiên của lộ trình cải cách thi cử, Bộ GD-ĐT có thể tổ chức thi chung, có thể thi 4 bài: Toán (và tư duy logic), Khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân); Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh, Kỹ thuật) và Ngoại ngữ (ở các thành phố khuyến khích thi sinh thi tiếng Anh theo TOEFL, IELTS, tiếng Pháp TCF hoặc DELF… rồi quy đổi điểm sang hệ của Việt Nam).
Sau năm 2015, kỳ thi tốt nghiệp sẽ được thay đổi theo hướng tích hợp.
PV: Kỳ thi quốc gia chung với định hướng 4 bài thi sẽ tập trung vào những lĩnh vực cụ thể nào?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Các bài thi đều bảo đảm những yêu cầu và đặc điểm sau: Một là bài thi mang tính tổng hợp, huy động kiến thức, kĩ năng ở nhiều môn học và lĩnh vực khác nhau để làm bài. Trong đó, Toán và Ngữ văn là đại diện cho 2 lĩnh vực lớn, mang tính công cụ khá tiêu biểu. Các bài thi tiếp sẽ kiểm tra kiến thức khoa học tự nhiên (hoá học, sinh học, vật lý…) và một bài nữa là kiến thức khoa học xã hội (như Lịch sử, Địa lý, Đạo đức, Công dân…).
Hai là bài thi do phục vụ hai mục tiêu: xét Tốt nghiệp và giúp Tuyển sinh vào ĐH-CĐ nên sẽ thường có hai phần. Phần 1 yêu cầu vận dụng kiến thức phổ thông tổng hợp như trên vừa nêu khoảng 50-60% để xét tốt nghiệp và phần 2 nâng cao, phân hoá sâu với khoảng 50-40% số lượng câu hỏi, bài tập khó để phân loại học sinh theo nhiều trình độ khác nhau nhằm cung cấp cơ sở cho việc xét tuyển sinh.
Ba là các câu hỏi, nhất là câu hỏi phân hoá phải thiết kế theo yêu cầu đánh giá năng lực, khác với câu hỏi theo hướng kiểm tra nội dung, kiến thức. Tất nhiên việc cụ thể hoá hướng đổi mới này còn cần được nghiên cứu hoàn thiện tiếp tục.
PV: Theo ông khó khăn nhất của việc triển khai kỳ thi này là gì?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Mỗi khâu đều có những khó khăn riêng, nhưng có lẽ khâu khó hơn đúng là ở việc ra đề thi. Đề thi phải đáp ứng được yêu cầu vận dụng tống hợp lại có tính phân hoá cao là không dễ.
PV: Theo lộ trình, kỳ thi này sẽ triển khai vào 2015. Theo ông, từ nay đến 2015 liệu có kịp thời gian cho Bộ triển khai được kỳ thi này không?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Đổi mới không có nghĩa là phải chuyển ngay lập tức, tất cả phải đạt chuẩn mực cao nhất mà cần phải phù hợp, đồng bộ với các yếu tố khác của dạy học hiện hành (nội dung, phương pháp, trang thiết bị…) nên phải có lộ trình và theo hướng tiệm cận dần đến những yêu cầu chuẩn. Vì thế mỗi năm dần dần hoàn chỉnh thêm một bước theo định hướng đã xác định cho đến khi đáp ứng được tốt nhất các yêu cầu đề ra. Năm 2015 vẫn trên lộ trình của định hướng đổi mới ấy, chỉ có điều phải cố gắng làm tốt hơn năm nay.
Chính vì thế, những người thiết kế chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 cũng sẽ phải đặc biệt quan tâm tới yêu cầu giảm tải mà dư luận xã hội đặt ra cho ngành giáo dục trong suốt những năm qua. Nội dung chương trình sẽ được thiết kế theo hướng tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học từ thấp đến cao, giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học chủ đề và hoạt động giáo dục dành cho học sinh tự chọn.
Ngay từ đầu năm học Bộ đã hướng dẫn các địa phương chỉ đạo các trường phải cho học sinh vận dụng các kiến thức có tính chất tổng hợp. Bản thân chương trình hiện hành có nhiều nội dung tích hợp cũng như bản thân các môn học vốn dĩ có nhiều kiến thức liên quan tới nhau.
Bộ có chủ trương giáo viên kiểm tra bài học sinh thường xuyên các vấn để cụ thể, nhưng cuối một chương hay một phần thì kiểm tra tổng hợp. Vì thế mà trong bài thi Văn có thể có cả kiến thức môn Đạo đức, Lịch sử; trong bài thi Sinh có kiến thức môn Hoá, Vật lý. Ban đầu có thể ta chưa ra được những đề có tính tích hợp cao, nhưng học sinh phải làm quen dần…
-----------------------------------------------
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét