top menu

Công tác sinh viên: Bước chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư duy “phục vụ”

Một điều tra công phu của Đoàn công tác liên ngành về thực trạng công tác quản lý SV, GD đạo đức, lối sống cho SV hiện nay (do Văn phòng Chủ tịch nước chủ trì) đã cho thấy những thay đổi khá toàn diện và sâu sắc trong nhận thức về quản lý SV cũng như một số chiều hướng thay đổi đáng chú ý trong SV hiện nay.
Mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý
Tại Hội nghị về công tác quản lý SV, GD đạo đức, lối sống cho SV hiện nay với sự chủ trì của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan vừa diễn ra, kết quả khảo sát của Đoàn công tác liên ngành (gồm đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS HCM đã được Văn phòng Chủ tịch nước báo cáo), thống kê số liệu trực tiếp tại 25 trường ĐH, CĐ và báo cáo của 38 trường ĐH, CĐ trên cả nước, đã cho thấy sự thay đổi rất rõ rệt trong nhận thức về GD, rèn luyện SV trong các nhà trường.
Ban Giám hiệu và cấp ủy các trường đều chia sẻ nhận thức chung rằng, công tác quản lý SV là lợi ích thiết thân của nhà trường và hơn lúc nào hết, tầm quan trọng của công tác quản lý SV phải được đặt lên hàng đầu trong quá trình GD và rèn luyện SV toàn diện. Đặc biệt, một số trường như ĐH Vinh, ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Duy Tân, ĐH Y Dược Huế, ĐH FPT… đã tiên phong trong việc tạo một bầu không khí dân chủ thực sự trong nhà trường, trong mối quan hệ giữa người dạy - người học.

Cùng với đó, tăng cường đối thoại trực tiếp với SV, thành lập các tổ chuyên trách phối hợp với các cơ quan quản lý địa phương, các tổ chức đoàn thể xã hội và cộng đồng dân cư. Mạnh dạn đầu tư CSVC và ứng dụng CNTT trong công tác GD đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng cho SV và quản lý người học trong và ngoài nhà trường. 
Điển hình, có trường đã mạnh dạn thay đổi tư duy, chuyển từ tư duy “quản lý” sang tư tuy “phục vụ”, coi SV là lợi ích thiết thân của nhà trường; thực hiện 5 tốt “Tuyển sinh tốt, quản lý tốt, dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt”.
Qua khảo sát, bước đầu cho phép nhận định: Công tác quản lý SV ở những trường có điều kiện đầu tư CSVC đồng bộ, chuẩn hóa, đặc biệt là ký túc xá thì kết quả rèn luyện SV tốt hơn, toàn diện hơn. Cùng với đó, mô hình quản lý SV trong và ngoài giờ lên lớp phát huy được tính tự chủ, tự giác của SV thì thu hút được ngày càng nhiều SV và có sức lan tỏa mạnh mẽ. 
Những mô hình quản lý SV bằng phương pháp tiên tiến, văn minh, công nghệ hiện đại, đặc biệt là thông qua việc sử dụng CNTT chuẩn hóa phù hợp với xu hướng GD ĐH ngày nay và là mục tiêu hướng tới của nhiều trường.
Chuyển biến từ SV và những tồn tại hạn chế
Trong tam giác nhà trường, gia đình, xã hội, mảng phối hợp giữa nhà trường và gia đình là mờ nhạt nhất, Đoàn công tác cũng đề cập đến việc tăng cường phối hợp giữa các tổ chức, có biện pháp phối hợp hiệu quả hơn với gia đình của SV. 
Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong việc tham gia quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống cho SV.
Với Bộ GD&ĐT, Đoàn công tác đề nghị nghiên cứu, nhân rộng các mô hình quản lý SV tốt, phù hợp với điều kiện của nhiều trường đại học như những mô hình của ĐH Vinh, ĐH Kinh tế TP HCM…
Một trong những điểm sáng nổi bật trong báo cáo khảo sát là kết quả rèn luyện của SV trong những năm gần đây có bước tiến bộ về tư tưởng, đạo đức, lối sống, có chuyển biến tốt về phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, trong sáng. 
Thái độ và ý thức chính trị của SV được nâng lên theo xu hướng ngày càng tích cực. SV tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động chính trị - xã hội, tình nguyện cộng đồng mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc và đạt nhiều thành tích cao.
Kết quả đánh giá của các trường cho thấy, tỷ lệ SV đạt tiêu chí rèn luyện tốt và xuất sắc đạt trên 75 - 80%. Đa số các trường có khoảng 90% SV rèn luyện loại khá trở lên; chỉ khoảng 10% có kết quả rèn luyện từ trung bình khá trở xuống. 
Trong đó, tỷ lệ yếu kém rất ít, chỉ mang tính cá biệt. Thậm chí có trường không có mức yếu kém, như ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Huế, ĐH Dân lập Hải Phòng, Học viện Ngân hàng…
Tuy nhiên, song song với những chuyển biến tích cực này, vẫn có bộ phận SV bộc lộ những chiều hướng đáng báo động về đạo đức, lối sống. Quan niệm về cuộc sống của một bộ phận SV có biểu hiện lệch lạc khỏi thang giá trị truyền thống, lối sống thực dụng, coi đồng tiền là động cơ hành xử. 
Một bộ phận sống phai nhạt lý tưởng, coi trọng giá trị vật chất và xem nhẹ giá trị tinh thần; xuất hiện cách ứng xử lệch chuẩn trong quan hệ với gia đình và xã hội, có lối sống xa lạ với môi trường sinh hoạt cộng đồng, trái với đạo lý truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc…
Khảo sát cũng chỉ ra một số vấn đề nổi cộm trong SV hiện nay như: Nghiện chơi game online; nạn cầm đồ, cá độ; vi phạm uống rượu bia; đánh nhau; cờ bạc. 
Từ đây cũng đặt ra vấn đề đòi hỏi ngành GD, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, gia đình và xã hội cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục lòng yêu nước, tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp của dân tộc; đổi mới căn bản và toàn diện chương trình và ưu tiên đầu tư các điều kiện cần thiết cho công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho SV hiện nay.
Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh bằng thiết chế giáo dục
Phân tích sâu các nguyên nhân, Đoàn khảo sát đã đưa ra khuyến nghị công tác quản lý SV phải được đổi mới bằng một khung khổ tiếp cận hệ thống, đa ngành, liên ngành; trong đó, các thiết chế GD phải đóng vai trò trực tiếp và quan trọng nhất trong việc xây dựng môi trường GD lành mạnh, thúc đẩy những điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần, góp phần phát triển toàn diện năng lực, hình thành nhân cách và phẩm chất của con người Việt Nam trong tương lai.
Một trong các kiến nghị cụ thể là tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản, chế độ chính sách về công tác học sinh, SV theo hình thức đào tạo tín chỉ. 
Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường tính độc lập, tự chủ cho các trường đại học, cao đẳng, trong đó có tự chủ về tài chính. Tập trung đầu tư kinh phí từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa để xây dựng ký túc xá cho SV. Trong khi chưa xây dựng được ký túc xá cần có sự phối kết hợp trong quản lý SV ngoại trú.
Đổi mới mô hình quản lý SV phù hợp với phương pháp đào tạo theo tín chỉ; nghiên cứu, cụ thể hóa đánh giá kết quả học tập kết hợp với đánh giá kết quả rèn luyện; có chế độ cộng điểm rèn luyện, điểm phong trào hợp lý và ghi nhận kết quả rèn luyện của SV vào bảng điểm cuối khóa học. 
Ưu tiên đầu tư cho công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống cho SV; tăng cường hơn nữa giáo dục lòng yêu nước, tự hào truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp của dân tộc; hình thành cơ chế rà soát thường xuyên việc thực hiện quy chế phối hợp giữa nhà trường với cấp ủy Đảng, chính quyền, công an, các tổ chức đoàn thể địa phương trong quản lý SV…
-----------------------------------------------------------------------------------
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét