top menu

Thiếu phê bình âm nhạc đúng nghĩa trên báo chí

Chỉ từ một bài phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trên một tờ báo, đời sống âm nhạc những ngày qua bỗng dậy sóng. Âu cũng là hệ quả tất yếu của thực trạng phê bình âm nhạc hôm nay. Sâu xa hơn nữa, còn là mối tương quan giữa báo chí và đời sống văn hóa - nghệ thuật nói chung, đời sống âm nhạc nói riêng. Nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu đã chia sẻ những quan điểm của mình xung quanh vấn đề này.




1. Báo chí là chiếc gương phản chiếu đời sống xã hội, mà sinh hoạt âm nhạc là một phần trong đó. Muốn có một cái nhìn bao quát về đời sống âm nhạc, kết quả nhanh nhất là cứ lượn quanh một vòng báo điện tử. Ấn tượng về những cuộc "lướt nét” hẳn phải muôn màu muôn vẻ. Song sinh hoạt âm nhạc ở ta dường như chưa có được sự phong phú, đa chiều cần có. Bạn thử ngó vào mục âm nhạc hoặc giải trí của các báo online mà xem, đọc tin báo này rồi liếc sang nhiều báo khác lại bắt gặp vẫn câu chuyện ấy, kiểu bình luận ấy. Nhiều tờ báo giờ đây chẳng còn mấy chỗ dành cho nghệ thuật âm nhạc đích thực nữa. 

Thử trắc nghiệm chọn một trong hai câu sau: Báo chí phản ánh một cách đầy đủ thực trạng đời sống âm nhạc; Báo chí chủ yếu chỉ khai thác thông tin bề nổi của đời sống âm nhạc. Bạn sẽ đánh dấu vào câu nào? Còn tôi không đủ lòng tin vào báo chí để chọn câu số 1 mặc dù hết sức kính trọng các nhà báo - những người mà tôi có vinh dự được xem là đồng nghiệp của mình. Và một khi tự khai đang hành nghề báo, thì khi đưa ra những lời "ta thán” về sự phiến diện và hời hợt của báo chí cũng có nghĩa là tôi đang tự phê tôi đó. 

Nếu cần viết bản tự kiểm điểm trên danh nghĩa người làm báo, có lẽ tôi buộc phải tự thú rằng dân làm báo chúng tôi chú trọng vai trò đưa tin hơn là giáo dục thẩm mĩ, nhắm tới tiêu chí ăn khách hơn là những vấn đề học thuật. Vì thế chớ có ngạc nhiên khi thấy đời sống âm nhạc qua lăng kính báo chí dường như chỉ còn là một nền ca nhạc đại chúng, còn những thứ khó phổ cập như khí nhạc chuyên nghiệp thì viết đã nhọc, mà rồi cũng chẳng mấy ai đọc. 



Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong chương trình 
Nửa thế kỷ âm nhạc

2. Nếu "soi” vào báo chí có thể thấy được một phần diện mạo đời sống âm nhạc, thì phê bình âm nhạc cần soi vào đời sống âm nhạc để làm nên diện mạo của chính mình. Trên mặt báo giờ đây rất nhiều những bài viết đưa tin, miêu tả sinh hoạt ca nhạc, còn phê bình đúng nghĩa phê bình cứ gọi là phải đốt đuốc đi tìm. Bởi vậy thường gặp một câu nhận định "khó đỡ”: phê bình âm nhạc có cũng như không!

Sách về âm nhạc vốn không nhiều vì khó bán. Sách phê bình âm nhạc càng hiếm và chẳng ai biết đến. Ở cả hai mảng làm nên không gian phê bình vừa kể trên, thì một gần như độc quyền sở hữu của dân báo chí, một thuộc về làng nghiên cứu, thành ra phê bình chỉ như kẻ ăn đậu ở nhờ, không hộ khẩu, không chủ quyền, chơi vơi và chơi vơi. Kẻ ở ké làm sao có được vẻ tươi tắn, vượng sắc, cố giữ cho mặt mũi đỡ nhợt nhạt, thất thần thất sắc cũng đã khó lắm thay, chưa đến độ vô hình cũng là may lắm rồi.

Ngay đến việc xác định danh tính nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp cũng còn chưa được ổn lắm. Tất nhiên là không thể dựa vào bằng cấp, vì ở ta không đào tạo chuyên ngành phê bình âm nhạc. Làm lâu thành nghề. Một vài nhà báo cứ viết bình luận âm nhạc lâu năm là thành danh nhà phê bình. Một số nhà nghiên cứu sau nhiều năm viết báo cũng được gọi là nhà phê bình. Liệu vài nhà phê bình tự phong cộng với mấy nhà phê bình bất đắc dĩ thế đã đủ gọi là đội ngũ chuyên nghiệp - những người tạo nên diện mạo phê bình âm nhạc chuyên nghiệp chưa?

Số lượng các nhà lí luận âm nhạc được đào tạo không nhỏ, nhưng bao nhiêu người trong số đó hành nghề phê bình? Và tại sao họ chỉ chọn nghiên cứu hoặc giảng dạy chứ không mặn mà với phê bình? Có hai lí do. Thứ nhất, nghề nghiên cứu được đào tạo đàng hoàng, còn phê bình luôn bị định kiến là hành nghề không cần bằng cấp, cho nên ai có quyền đường đường chính chính ngồi chiếu trên nhờ cái sự học đó bỗng dưng tụt xuống chiếu dưới làm chi! Thứ hai, có không ít nhà nghiên cứu ngán viết phê bình vì ngại động chạm, mà động chạm ai chứ, toàn quân ta với ta: thầy cũ, các cô chú bác, anh chị em đồng nghiệp…

3. Nếu cần viết bản tự kiểm điểm trên danh nghĩa người nghiên cứu, có lẽ tôi buộc phải tự thú rằng dân lí luận chúng tôi chưa thực sự vượt rào để hòa nhập với đời, chưa xóa được khoảng cách giữa những gì mình làm với sinh hoạt âm nhạc đại chúng. Nghiên cứu là phải nghiền ngẫm, là phải đủ ngấm, đủ trải nghiệm. 

Cuối cùng, trên danh nghĩa một người nghiên cứu đã nhiều năm làm báo, tôi chẳng mong gì hơn có được sự hợp lực và bù đắp cho nhau giữa nhà báo với nhà lí luận âm nhạc, chẳng mong gì hơn cả hai bên cùng tận dụng được mọi diễn đàn, đặc biệt diễn đàn ảo là nơi dễ tiếp cận giới trẻ, để quảng bá những giá trị đích thực của âm nhạc.
-----------------------------------------------
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét