top menu

Nhu cầu hưởng thụ văn hóa đang bị thách thức

Giữa thời khủng hoảng kinh tế, đời sống khó khăn, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật càng cần thiết. Bởi ngoài việc mang tới những rung cảm nghệ thuật, nó còn góp phần giải tỏa những căng thẳng, bức xúc trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhu cầu này đang bị thách thức.
Giá của nghệ thuật: không dành cho số đông
Chương trình gần đây nhất, đêm “Hà Nội ơi- còn mãi một tình yêu” của Phú Quang tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, giá vé thấp nhất là 600 ngàn đồng. Nhạc Phú Quang được nhiều người yêu mến, nhưng chắc chắn, không nhiều người dám bỏ ra cả nửa tháng lương để có được cặp vé dù là rẻ nhất của chương trình.
Đầu tiên, xin nói về sự phù hợp với túi tiền của đa số người dân. Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật thực sự cần thiết, nhưng nếu yếu tố này không được phù hợp, các chương trình nghệ thuật sẽ không có mấy khán giả.

Chừng nào giá vé vẫn còn là một cái barie sừng sững giữa khán giả với các nghệ sỹ đẳng cấp, thì chừng đấy, khán giả sẽ lại lựa chọn những chương trình giải trí đang nhan nhản trên truyền hình, trên mạng


Chương trình “Hồn Việt” là một ví dụ. Với tham vọng định hướng cho khán giả- những du khách nước ngoài biết đến những “đặc sản” của văn hóa Việt Nam, từ Đàn đá, đàn T’Rưng, Klông pút Tây Nguyên, đến đàn bầu, sáo Bắc bộ, từ nhảy sạp miền núi phía Bắc, Xẩm chợ đồng bằng Bắc bộ đến Đờn ca tài tử phương Nam…Chương trình Hồn Việt ở phía Nam đã khẳng định được vị thế của mình với giá vé khá cao là 500 ngàn đồng. Tuy nhiên, khán giả của chương trình chủ yếu là khách du lịch.
Tại Thủ đô, do chưa được kết nối với các hãng lữ hành, thêm nữa, giá vé lại “đội lên” 800 ngàn đồng cũng là một yếu tố khiến Hồn Việt vắng khách. 4 suất diễn chỉ bán được 67 vé, chương trình đã phải tạm dừng.
Hầu hết các chương trình nghệ thuật hiện nay đều áp dụng mức phổ biến từ 800 ngàn đồng – 2,5 triệu/vé. Thoảng hoặc có chương trình chọn mức thấp nhất là 500 ngàn đồng/vé. Giá vé của các chương trình nghệ thuật đã và đang đẩy khán giả bình dân rời xa sân khấu.
Không chỉ người xem mà ngay cả nhà sản xuất và hầu hết những người trong cuộc, khi được hỏi, đều cho rằng giá vé xem biểu diễn ở ta quả là quá cao so với mức thu nhập phổ biến của người dân, giữa lúc mọi thứ đều đắt đỏ. Nhạc sỹ Quốc Trung từng chia sẻ: “Tôi biết có một cặp vợ chồng làm ở “sở Tây” hẳn hoi, rất có gu thưởng thức, vậy mà họ cũng chỉ dám chọn mức vé thấp nhất là 800 000 đồng. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu như họ không chịu bỏ qua một chương trình nào mà họ cho là đáng xem. Điều đó cho thấy, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng rất cao nhưng hầu như đa số người dân chưa tiệm cận được giá vé”.
Nhu cầu thưởng thức bị thách thức
Nghệ sỹ Linh Huyền- bà bầu của chương trình Hồn Việt từng chia sẻ, thời buổi càng khó khăn, con người càng phải tìm đến sự giải tỏa bằng nghệ thuật. Một người phụ nữ có chồng ngoại tình, chị ấy buồn, thậm chí muốn chết, mất lòng tin, nhưng nếu đi xem một vở kịch, thấy những người đàn bà khác, có những nỗi buồn khác, nhưng mục đích cuối cùng là sống cho ý nghĩa hơn, thì họ sẽ tìm được cách giải tỏa của mình. Nói như vậy để thấy, trong đời sống khó khăn, người ta càng có nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật.
Nhưng cũng trong đời sống khó khăn, khán giả sẽ cân nhắc, ở nhà xem những chương trình truyền hình hay những chương trình game show như The Voice, Bước nhảy hoàn vũ… thậm chí là những bộ phim được thực hiện chỉ để quảng cáo cho một nhãn hàng mỹ phẩm.
Giữa bí bách của cơm áo, gạo tiền, những giờ phút thăng hoa cùng nghệ thuật sẽ làm con người có thêm sức lực mà tái tạo sức lao động. Con người sẽ bớt nghĩ đến những khó khăn. Điều này đã được chứng minh, trong lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, những phong trào như “Tiếng hát át tiếng bom”, nghệ thuật đã khích lệ hàng ngàn lượt thanh niên trên mặt trận, không sợ hiểm nguy, cống hiến cả tính mạng mình cho đất nước. Nghệ thuật có sức mạnh vô hình!
Tuy nhiên, đại đa số quần chúng hiện nay sẽ được thưởng thức gì khi mà những chương trình nghệ thuật có chất lượng thì có giá ở ngoài tầm với? Khán giả sẽ thưởng thức gì khi những chương trình trên truyền hình đang lệch lạc bởi sóng nhà đài đã bán cho các công ty truyền thông. Khi mạng internet cổ súy cho những thứ bê bối chỉ cởi đồ ra là nổi tiếng?
Hậu quả của những tác động từ sự lệch lạc của những thứ “đội lốt” nghệ thuật này sẽ ra sao nếu không có sự thay đổi. Đã đến lúc đưa giá của các chương trình nghệ thuật đỉnh cao về gần hơn với người dân. Bởi nghệ thuật, trước hết là để phục vụ đa số nhân dân, khích lệ cảm xúc cao đẹp và giải tỏa những bức xúc cho con người. Chừng nào giá vé vẫn còn là một cái barie sừng sững giữa khán giả với các nghệ sỹ đẳng cấp, thì chừng đấy, khán giả sẽ lại lựa chọn những chương trình giải trí đang nhan nhản trên truyền hình, trên mạng./.
-----------------------------------------------
Share on Google Plus

About Nặc danh

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét